Hủy
Tài Chính

Cổ phiếu ngành dược phủ sắc tím

Việt Hà Thứ Ba | 31/08/2021 14:55

Cổ phiếu ngành dược phủ sắc tím. Ảnh: SSI.

Phiên giao dịch 31/8, ngay từ đầu phiên sáng các cổ phiếu trong nhóm ngành dược phẩm đã đạt mức tăng mạnh mẽ, nhiều mã đã tăng kịch trần.
 

Khi nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thì dòng tiền vẫn tiếp tục tìm đến nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ để tìm kiếm lợi nhuận. Bên cạnh các nhóm cổ phiếu cảng biển, logistic và khu công nghiệp thì nhóm cổ phiếu ngành dược đang nhận được sự chú ý của nhà đầu tư khii nhiều cổ phiếu trong nhóm này đồng loạt tăng trần.

Tiêu biểu như cổ phiếu BIO của Công ty Cổ phần Vắc xin và Sinh phẩm Nha Trang, cổ phiếu HDP của Công ty Cổ phần Dược Hà Tĩnh, TW3 của Công ty Cổ phần Dược Trung ương 3,... đã tăng trần nhiều phiên liên tiếp.

Nhiều cổ phiếu ngành dược tăng mạnh ngay từ đầu phiên sáng 31/8. Ảnh: SSI.
Nhiều cổ phiếu ngành dược tăng mạnh ngay từ đầu phiên sáng 31/8. Ảnh: SSI.

Có một điểm chung giữa các cổ phiếu này là đây đều là những cổ phiếu gần như không có thanh khoản và được niêm yết ở sàn UPCoM. Nếu như trong phân tích kỹ thuật, các nhà đầu tư thường sử dụng các đường trung bình động (MA) để xác định những ngưỡng hỗ trợ, kháng cự của cổ phiếu, thì nhóm các cổ phiếu như BIO, HDP, TW3, DPM, DPP,...  này giao dịch không tuân thủ theo các nguyên tắc này, hay nói một cách dân giã là không tôn trọng các đường MA. Thêm vào đó, biên độ giao dộng của các cổ phiếu này rất lớn, có thể liên tục tăng trần và giảm sàn nhiều phiên liên tiếp, điều này rất hiếm gặp đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Đối với ngành dược, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) đánh giá kênh ETC sẽ dẫn dắt đà tăng trưởng trong dài hạn. Năm 2020, chi tiêu thuốc bình quân đầu người của Việt Nam tăng trưởng 52%, lên khoảng 50 USD/người thấp hơn Trung Quốc là 130 USD/người, cho thấy chi tiêu dược phẩm Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai. Thị trường dược phẩm của Việt Nam hiện có quy mô khoảng 7,4 tỉ USD với 22.000 loại thuốc. Theo dự báo của Fitch Solution, thì tăng trưởng ngành dược Việt Nam năm 2021 sẽ đạt 8,7%.

 

Theo PHS, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh, làm suy giảm nhu cầu khám bệnh của người dân, tác động đến doanh thu kênh ETC. Do đó, sự phục hồi của kênh ETC trong năm 2021 phụ thuộc lớn vào tình hình kiểm soát dịch của Việt Nam trong năm nay.

PHS cho rằng trong năm 2021, kênh ETC có thể sẽ không tăng trưởng đột biến như dự báo trước đây do tâm lý sợ lây nhiễm từ bệnh viện. Điều đó sẽ góp phần làm cho kênh OTC phát triển. Mặt khác giá thuốc OTC không bị ràng buộc về luật đấu thầu nên sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Dược cạnh tranh, cải tiến R&D và đa dạng hóa chủng loại sản phẩm.

Kênh ETC (Ethical drugs) trong y học có nghĩa là các loại thuốc bán theo đơn bác sĩ, ngoài ra trong ngành dược kênh ETC còn có nghĩa là kênh đấu thầu tại sở và bệnh viện.

Kênh OTC (Over The Counter) trong y học có nghĩa là các loại thuốc bán không cần kê đơn thông qua chỉ dẫn của bác sĩ tại điểm bán.

Có thể bạn quan tâm 

Cổ phiếu "vua" đã “hết thời” ?


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới