Hủy
Tài Chính

Lạm phát tăng, VN-Index giảm?

Vũ Thiện Thứ Hai | 28/06/2021 13:30

Giá các loại hàng hóa thay phiên nhau phá đỉnh, như giá sắt đạt mức cao kỷ lục. Ảnh: TL

Áp lực lạm phát ngày càng tăng khiến giới đầu tư phải chuẩn bị các giải pháp phòng ngừa.
 

Xuất phát từ rủi ro lạm phát có khả năng gia tăng vào cuối năm, nhà đầu tư lo ngại về việc Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất, từ đó một lần nữa tác động xấu tới thị trường chứng khoán.

Không quên bài học cũ

Sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn diễn ra dưới tác động của đợt bùng phát dịch, trong khi nhu cầu có dấu hiệu hồi phục giữa lúc các ngân hàng trung ương vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Áp lực lạm phát từ đó bắt đầu gia tăng. Giá các loại hàng hóa thay phiên nhau phá đỉnh, như giá sắt đạt mức cao kỷ lục, tăng 90% trong tháng 5, thép tăng 40%, đồng tăng 80%, đặc biệt giá cước vận tải tăng đột biến 260%.

Bộ Lao động Mỹ vừa qua đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 lên tới 5%, mức cao nhất được ghi nhận trong 13 năm qua, vượt mọi dự báo của giới chuyên gia. Với tổng kim ngạch thương mại chiếm 160% GDP, Việt Nam cũng chịu tác động tiêu cực của đợt tăng giá này. 

 

Tuy vậy, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 5.2021 chỉ tăng 0,16% so với tháng trước, 1,43% so với tháng 12.2020 và 2,9% so với tháng 5.2020. Bình quân 5 tháng đầu năm 2021, CPI chỉ tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Đáng chú ý, các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện nước... đều có giá tương đối ổn định, không có sự đột biến.

Có được thành quả này là nhờ sự chủ động của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cung ứng, nên chưa xảy ra tình trạng khan hiếm, người dân vẫn giữ tâm lý bình tĩnh trong mua sắm do tin tưởng vào khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu của hệ thống phân phối, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ như giai đoạn trước. Trên thị trường, nguồn hàng dồi dào và giá cả vẫn ổn định.

Mặc dù hầu hết chuyên gia cho rằng lạm phát Việt Nam vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng cũng cần nhớ lại bài học quá khứ khi lạm phát tăng vọt. Cụ thể, giai đoạn 2008-2009, do nới lỏng tiền tệ và tài khóa quá mức, lạm phát đã tăng vượt 10% từ cuối năn 2007 và đạt đỉnh điểm gần 30% giữa năm 2008. VN-Index sau đó ghi nhận mức sụt giảm lên tới 70%. Hay trong giai đoạn lạm phát duy trì ở mức cao 12-23% vào năm 2011, thị trường chứng khoán cũng bị thổi bay 30% giá trị.

 

Tình trạng này có thể tái diễn, nhất là khi động thái mới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khiến đồng USD tiếp tục tăng giá, gây sức ép lớn lên các ngân hàng trung ương ở khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi có thể buộc phải nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát, cho dù nền kinh tế của họ có thể hưởng lợi từ việc giữ lãi suất thấp trong thời gian dài hơn.

“Nếu lãi suất ở Mỹ thực sự tăng liên tục và kéo dài và đồng USD lên giá, nhiều nền kinh tế mới nổi sẽ gặp thách thức, nhất là những quốc gia mà sự chênh lệch lãi suất có ý nghĩa hỗ trợ quan trọng”, ông Marc Chandler, chiến lược gia trưởng thuộc Bannockburn Global, nhận định.

Chứng khoán phòng ngừa

Công ty Chứng Khoán Maybank Kim Eng cho rằng lạm phát toàn phần có thể tăng cao vào cuối năm. Tuy vậy, Maybank Kim Eng cho rằng sẽ khó có khả năng tăng lãi suất trong 12 tháng tới, do sự gia tăng hiện tại của nhu cầu hàng hóa thực sự là không ổn định, đồng thời việc tăng lãi suất quá sớm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đẩy chi phí do nhu cầu trong nước vẫn yếu (tổng doanh thu bán lẻ tháng 5 giảm 1% so với cùng kỳ năm trước).

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước có thể hạn chế tăng trưởng tín dụng để kiểm soát lạm phát. Mặt khác, lạm phát trung bình trong năm nay có khả năng duy trì dưới mục tiêu là 4% (3,5% và 3,8% trong năm 2021 và năm 2022). Maybank Kim Eng do đó cho rằng việc giữ lãi suất ở mức thấp không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của giá nguyên liệu đầu vào mà còn khuyến khích và thúc đẩy các khoản đầu tư mới.

Ở góc nhìn đối lập, Công ty Chứng khoán SSI mặc dù cho rằng áp lực lên CPI trong ngắn hạn là không đáng kể. Nguồn cung VND trên thị trường liên ngân hàng vẫn rất ổn định, đặc biệt sẽ có một lượng nội tệ lớn bơm ra từ các giao dịch bán ngoại tệ có kỳ hạn sẽ được thực hiện trong tháng 7, 8 tới. Nhưng SSI dự báo lãi suất có thể tăng từ đầu quý III khi dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát và tín dụng vẫn tiếp tục tăng tốc.

Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, rủi ro lạm phát sẽ cao hơn trong quý II, xuất phát từ đà tăng mạnh của giá xăng dầu so với cùng kỳ năm trước. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần thận trọng hơn khi tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Công ty Chứng Khoán Maybank Kim Eng cho rằng lạm phát toàn phần có thể tăng cao vào cuối năm.
Công ty Chứng Khoán Maybank Kim Eng cho rằng lạm phát toàn phần có thể tăng cao vào cuối năm. Ảnh: Quý Hoà

Trước tình hình đó, Công ty Chứng khoán Agriseco cho rằng nhà đầu tư nên phân bổ tài sản vào nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đà tăng giá hàng hóa như dầu khí, thép, hóa chất, ngân hàng, bảo hiểm, đặc biệt chú ý đến những doanh nghiệp đầu ngành, có lợi thế khi đàm phán giá. Ngoài ra, nhóm ngành nhu yếu phẩm với đặc thù an toàn cũng là một lựa chọn hấp dẫn, khi chi phí đầu vào của doanh nghiệp các ngành này (chủ yếu là nhân công) thường tăng chậm hơn giá đầu ra, vì thế biên lợi nhuận của ngành này sẽ tăng đáng kể.

Cũng với ý tưởng phòng ngừa lạm phát, Maybank Kim Eng cho rằng các cổ phiếu liên quan đến vàng, bất động sản nhà ở và ngân hàng là những lựa chọn đầy tiềm năng.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới