Hủy
Tài Chính

Ngân hàng tổng lực tăng bộ đệm tài chính

Lam Hồng Thứ Tư | 07/06/2023 07:30

Báo cáo tài chính quý I/2023 cho thấy tăng trưởng lợi nhuận của nhiều ngân hàng đã chậm lại rõ rệt. Ảnh: Quý Hoà.

Các ngân hàng đang nỗ lực tăng bộ đệm tài chính để gia tăng nguồn lực ứng phó với nhiều rủi ro như nợ xấu mới phát sinh.
 

“Nhu cầu giảm lãi suất là mong muốn của doanh nghiệp khi vay vốn từ trước tới nay. Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo và Ngân hàng Nhà nước cũng mong muốn điều này. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất phải đặt trong bối cảnh ổn định vĩ mô, tiền tệ và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh trước áp lực giảm lãi vay cho doanh nghiệp.

Sức ép nợ xấu 

 

Thông điệp của Thống đốc cũng cho thấy sức ép của hệ thống ngân hàng trước đà gia tăng nợ xấu khi tình hình sức khỏe của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực đang ngày càng xấu đi. Trong một báo cáo mới công bố về tình hình kinh tế Việt Nam tháng 5 và triển vọng sắp tới, HSBC đánh giá Việt Nam vẫn chưa vượt qua được tình thế khó khăn hiện tại và còn một chặng đường dài trước khi thấy được sự phục hồi đáng kể trong chu kỳ thương mại.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính tới cuối tháng 2/2023, nợ xấu toàn hệ thống đã ngấp nghé mức 3%, cao gấp đôi cuối năm 2021; nợ xấu gộp toàn hệ thống ở mức 5%. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhận xét, chất lượng tài sản ngành ngân hàng đang suy giảm, vấn đề kiểm soát nợ xấu là thách thức không nhỏ. Dự báo tỉ lệ nợ xấu ngân hàng thời gian tới sẽ tiếp tục tăng có nhiều cơ sở.

Báo cáo tài chính quý I/2023 cho thấy tăng trưởng lợi nhuận của nhiều ngân hàng đã chậm lại rõ rệt, thậm chí tăng trưởng âm. Nguyên nhân của xu hướng này đến từ sự sụt giảm thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính chiếm 75-80% thu nhập hoạt động của các ngân hàng. Xu hướng này diễn ra trong bối cảnh cuộc đua tăng lãi suất huy động khiến chi phí lãi đầu vào của ngân hàng tăng lên trong khi lãi suất đầu ra tăng không kịp. Chưa kể, việc các ngân hàng còn phải triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất để hỗ trợ khách hàng đã làm giảm thu nhập ở quý vừa qua.

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2023, hầu hết các ngân hàng đều đưa ra con số lợi nhuận mục tiêu khá thận trọng. Trong đó, 3 ngân hàng quốc doanh Vietcombank, VietinBank và BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong khoảng 10-15%. Các ngân hàng tư nhân như ACB, VIB, MB, VPBank và SHB... đều hạ mục tiêu tăng trưởng xuống khoảng 10-17%.

 

Gia tăng bộ đệm dự phòng

Trước lo ngại nợ xấu mới phát sinh, bộ đệm dự phòng của các ngân hàng càng được quan tâm hơn hết, nhất là trong thời điểm nợ xấu gia tăng mạnh với tốc độ nhanh hơn trích lập dự phòng. Hiện Vietcombank vẫn là ngân hàng có bộ đệm dự phòng cao nhất với tỉ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đạt 321% vào cuối tháng 3/2023. Trong khi đó, tỉ lệ LLR của MB và BIDV sụt giảm đáng kể xuống lần lượt 171% và 138%. Một số ngân hàng khác cũng duy trì tỉ lệ LLR trên mức 100% có thể kể đến Techcombank (134), ACB (117%), LPBank (111%), SeABank (105%) và Sacombank (104%). Phần lớn các ngân hàng nhỏ khác hiện nay có tỉ lệ bao phủ nợ xấu dưới mức 100%, thậm chí có đến 9 ngân hàng dưới mốc 50%.

 

Trong khi nỗi lo nợ xấu rình rập thì rủi ro do hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng Việt Nam hiện ở mức thấp cũng khiến nhiều ngân hàng đau đầu. Việc bảo đảm CAR và tăng vốn trở thành vấn đề ưu tiên của nhiều ngân hàng trong năm nay và những năm tới, tăng bộ đệm tài chính để tăng cường nguồn lực trước các rủi ro từ bất ổn kinh tế trong và ngoài nước. Trong nhóm Big 4, BIDV và Agribank kỳ vọng vào kế hoạch tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021.

BIDV cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 61.557 tỉ đồng thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng trong năm 2023. Còn VietinBank lên kế hoạch tăng vốn lên 66.030 tỉ đồng. Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, VPBank dự kiến tăng vốn điều lệ lên mức 79.339 tỉ đồng; MB lên mức 53.683 tỉ đồng; TPBank là 22.016 tỉ đồng...

Khởi động đua CASA

Lãi suất được cho là ở thời điểm lập đỉnh và có xu hướng giảm trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành lần thứ 3. Động thái này khiến nhiều chuyên gia kỳ vọng lãi suất cho vay lần này sẽ giảm tốc nhanh hơn so với lãi suất huy động và tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) được kỳ vọng phục hồi khi lãi suất giảm nhiệt. Dòng vốn rẻ từ CASA được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng năm 2023. Giữa bối cảnh thị trường nhiều biến động như vừa qua, CASA cao sẽ giúp chi phí vốn thấp, qua đó giúp ngân hàng có lợi thế cạnh tranh, đồng thời vượt qua khó khăn, thách thức của thị trường. Những ngân hàng có tỉ trọng bán lẻ và tỉ lệ CASA cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM (tỉ lệ thu nhập lãi thuần) bị thu hẹp.

 

Hiện nay, CASA giảm mạnh và lãi suất huy động tăng cao từ cuối năm 2022 đến nay đã gây áp lực đáng kể tới kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng. Bởi vì, theo nhận định của ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính Doanh nghiệp Techcombank, khi kinh tế khó khăn, cơ hội đầu tư ít đi thì khách hàng có xu hướng chuyển tiền vào tiền gửi có kỳ hạn để có lãi suất cao. 

Chuyên gia ngân hàng, Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh đánh giá tỉ trọng CASA của toàn hệ thống hiện còn nhiều dư địa để mở rộng. Do đó, cuộc đua thu hút dòng vốn giá rẻ này vẫn sẽ sôi động trong thời gian tới. Đáng chú ý, nhóm ngân hàng tư nhân nào chịu khó đầu tư về công nghệ, đặc biệt là ứng dụng di động cũng như có hình ảnh về hệ sinh thái vững mạnh được đánh giá là có lợi thế thu hút được nhiều khách hàng cá nhân. Trong đó, Techcombank, MB, VIB, TPBank là những ngân hàng thành công thu hút khách hàng mới trong nhiều năm qua.

 

Ông Phạm Thiên Quang, Giám đốc khối quản lý tài sản của VNDirect, cho rằng trong bối cảnh tăng trưởng huy động vẫn rất chậm so với tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng vốn có truyền thống là CASA đầu ngành cao như MB, Techcombank hay Vietcombank mặc dù có sự suy giảm nhưng vẫn tiếp tục duy trì tỉ lệ CASA đầu ngành trong 3 năm vừa qua và hiện tại vẫn giữ mức cao nhất. Chẳng hạn, hết quý I/2023, tỉ lệ CASA của MB đang ở mức 35,5% với số dư hơn 160.800 tỉ đồng. Vietcombank có số dư CASA với hơn 387.700 tỉ đồng nhưng tỉ lệ CASA trên tổng tiền gửi tại ngân hàng này đã giảm còn 30,4%.

Có thể bạn quan tâm:

Phương án B cho nợ xấu


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới