Hủy
Tài Chính

Ngược dòng cổ phiếu thủy sản

Viết Nguyên Thứ Ba | 17/05/2022 15:30

Thị trường chứng khoán đã trải qua một tháng 4 và nửa đầu tháng 5 ảm đạm với nhiều phiên giảm mạnh. Ảnh: Quý Hoà.

Trong khi VN-Index liên tục giảm điểm và hầu hết cổ phiếu đều rớt giá mạnh thì cổ phiếu thủy sản lại ngược dòng.
 

Thị trường chứng khoán đã trải qua một tháng 4 và nửa đầu tháng 5 ảm đạm với nhiều phiên giảm mạnh, khiến VNIndex lần lượt về dưới các ngưỡng 1.400 điểm, 1.300 điểm và có lúc gần chạm mốc 1.200 điểm. Hầu hết cổ phiếu trên cả 2 sàn đều rớt giá thảm hại, trung bình giảm 20-30%, thậm chí hơn. Giá trị giao dịch bình quân cũng chạm mức thấp nhất trong vòng 12 tháng. Tuy nhiên, những gì diễn ra ở nhóm cổ phiếu thủy sản lại khác hẳn.

Theo số liệu từ thị trường, cổ phiếu VHC của Vĩnh Hoàn đã âm thầm tăng tốc và đang ở vùng giá cao nhất kể từ khi niêm yết (năm 2007). Chốt phiên ngày 10/5, VHC có giá 102.000 đồng/cổ phiếu. Với  thị giá này, Vĩnh Hoàn dự kiến thu về gần 150 tỉ đồng nếu bán hết 1,43 triệu cổ phiếu quỹ. Đây là quyết định đã được Hội đồng Quản trị Vĩnh Hoàn thông qua nhằm tăng nguồn vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cổ phiếu ANV của Nam Việt cũng tăng giá mạnh trên 74% kể từ cuối tháng 1/2022. Nếu chỉ tính riêng từ tháng 4 đến nay, con số này là hơn 14%. Trong khi đây lại là mức giảm trung bình của toàn sàn TP.HCM. Diễn biến cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta cũng tương tự khi số phiên tăng nhiều hơn phiên giảm.

Theo ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc SSI Research, thủy sản cùng với dệt may và vận chuyển quốc tế là nhóm cổ phiếu ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thị trường hiện nay. Đây cũng là nhận định chung của nhiều chuyên gia. Vì thế, trong báo cáo chiến lược của mình, các công ty chứng khoán như Rồng Việt (VDSC), Agriseco Research, SSI Research, VNDirect, KIS Việt Nam... đều khuyến nghị xem xét đầu tư cổ phiếu thủy sản.

 

Trước khi lội ngược dòng như hiện nay, cổ phiếu thủy sản ít được chú ý. Bởi ngành cá tra những năm gần đây hầu như im ắng, nhất là giai đoạn 2020-2021 khi dịch COVID-19 hoành hành. Theo thống kê của VietstockFinance, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lãi ròng bình quân của 5 doanh nghiệp thủy sản niêm yết  (VHC, ANV, FMC, IDI, ACL) giai đoạn 2019-2021 chỉ 2,6% và 13%. Lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) xác nhận, 2 năm qua ngành cá tra rơi đúng vào chu kỳ giảm giá mạnh.

Tuy nhiên, như chia sẻ của bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký VASEP, kể từ năm 2022 đến nay, các thị trường lớn nhập cá tra Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ đều tăng trưởng khá tốt và giá cao (khoảng 30.000 đồng/kg, tăng gần 50% so với cùng kỳ). Vì thế, chỉ 2 tháng đầu năm 2022, theo VASEP, tổng giá trị xuất khẩu của riêng cá tra là gần 390 triệu USD.

Nhờ đó, các doanh nghiệp thủy sản đã có một quý I/2022 kinh doanh ấn tượng. Tại Vĩnh Hoàn, doanh thu tăng 80% so với cùng kỳ, đạt 3.225 tỉ đồng. Trong đó, đà tăng mạnh nhất, tính bằng lần tập trung ở các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sản phẩm phụ, sản phẩm khác... Riêng sản phẩm cá tra vẫn duy trì phong độ. Với kết quả này, Vĩnh Hoàn đã hoàn thành gần 25% kế hoạch doanh thu năm đề ra dù đây là kế hoạch cao nhất kể từ khi lên sàn, với doanh thu năm 2022 ước đạt 13.000 tỉ đồng (tăng gần 44%), lợi nhuận sau thuế khoảng 1.600 tỉ đồng (tăng 45,6% so với cùng kỳ).

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Vĩnh Hoàn, cho biết Vĩnh Hoàn có mục tiêu tăng lợi nhuận gấp đôi từ năm 2021 đến năm 2025. Để phục vụ cho kế hoạch tăng trưởng này, cuối năm 2022, Công ty dự kiến hoàn tất các hoạt động đầu tư lớn như xây nhà máy thức ăn chăn nuôi, xây xưởng chế biến bột cá, mỡ cá và cải tạo nhà máy Thanh Bình, Vĩnh Hoàn Collagen, Vĩnh Phước, Vĩnh Hoàn, Sa Giang, Thành Ngọc cùng các khoản đầu tư mở rộng vùng nuôi.

Kế hoạch kinh doanh của Vĩnh Hoàn dựa trên 4 định hướng cốt lõi: hơn 1.000 tấn nguyên liệu/ngày, đa dạng thị trường, sản phẩm (như trung tâm cá giống Vĩnh Hòa, vùng nuôi cá thịt...); đầu tư thêm ngành nghề mới; gia tăng nội hàm phát triển khoa học, công nghệ (như tiêm vaccine cho cá giống, phát triển thêm vaccine cho cá tra); phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.

Vĩnh Hoàn đang có nhiều lợi thế từ thuế nhập khẩu (vào thị trường châu Âu, Trung Quốc chỉ 5,5%), khả năng tự chủ (70% vùng nguyên liệu), kinh nghiệm nuôi trồng nhiều năm, gia tăng sản phẩm phụ, tiên phong đầu tư công nghệ máy móc để đạt các mục tiêu đề ra và tối ưu hóa sản xuất.

 

Tại Nam Việt, doanh thu cũng tăng 73%, đạt 1.219 tỉ đồng, còn lãi sau thuế là 206,6 tỉ đồng, cao gấp 3,2 lần cùng kỳ. Theo giải trình của Công ty, do sản lượng tăng, giá bán tăng dẫn đến doanh thu, lãi gộp tăng mạnh. Cả năm 2022, Nam Việt dự tính sẽ đạt 4.900 tỉ đồng doanh thu, tăng 40% và 720 tỉ đồng lãi trước thuế, gấp 4,8 lần năm 2021.

Ông Nguyễn Tiến Đức, chuyên viên phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, cho rằng Nam Việt có những lợi thế để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao. Đó là lợi thế từ việc cá Minh Thái của Nga, loại cá cạnh tranh trực tiếp với cá tra, bị cấm vận tại Mỹ và Tây Âu. Trong khi đó, Nam Việt gần như được miễn thuế chống bán phá giá vào Mỹ và dự kiến từ tháng 8/2022 quay trở lại thị trường này. Ngoài ra, Nam Việt cũng trong top đầu xuất khẩu cá tra, lại là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có chuỗi giá trị cá tra khép kín với khả năng tự chủ 100% về con giống, thức ăn cho cá và cả vùng nuôi cá rộng 700 ha.

Năm 2022, Nam Việt dự tính đầu tư tự chủ con giống cá tra chất lượng cao, đầu tư sản xuất Colagen và Genlatin với công suất 780 tấn/năm (dự kiến tháng 7/2022 hoàn thành), đầu tư sản xuất phân bón từ phân cá (công suất 70.000 tấn/năm), đầu tư năng lượng mặt trời (650 MW), xây tòa nhà Nam Việt Tower 20 tầng và thành lập công ty chuyên về chế biến thức ăn thủy sản. Nam Việt cũng dự tính bắt đầu triển khai các dự án bất động sản. 

Nhìn vào các thông tin công bố, có thể thấy không chỉ Nam Việt, Vĩnh Hoàn mà Thực phẩm Sao Ta, Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang cũng đang quay lại đường đua. Hiện nay, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt ở các thị trường xuất khẩu và nhu cầu tiêu thụ cá ở Mỹ, Trung Quốc tăng mạnh trong khi nguồn cung cá tra từ trong dân cần thời gian mở rộng (khoảng 6 tháng). Vì thế, theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), các công ty thủy sản sẽ còn hưởng giá bán cá cao và cổ phiếu thủy sản nhờ đó dễ bứt phá. Vĩnh Hoàn, Nam Việt là 2 cái tên được khuyến nghị đầu tư nhiều nhất.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới