Hủy
Tài Chính

'Nỗi buồn' của cổ đông thép

Nhật Lệ Thứ Năm | 06/01/2022 14:48

Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

Thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục phá đỉnh nhưng cổ đông thép vẫn “đứng ngoài cuộc vui”.
 

Thị trường chứng khoán Việt Nam có sự khởi đầu năm 2022 với nhiều thuận lợi khi VN-Index vượt đỉnh lịch sử.  Tính đến 13h30 phiên giao dịch 6/1, chỉ số VN-Index tăng gần 9 điểm lên mốc 1.531 điểm. Độ rộng thị trường lúc này nghiêng nhẹ về bên bán với 228 mã giảm và 217 mã tăng. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng có sự phân hóa khi ½ số lượng cổ phiếu nhóm này giảm điểm. 

Đáng chú ý, mặc dù thị trường đã vượt đỉnh lịch sử nhưng nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn “chưa về bờ”, trong đó cổ phiếu ngành thép.  

Giai đoạn nửa đầu năm 2021, nhóm cổ phiếu thép liên tục có những diễn biến giá tích cực, trở thành những “cổ phiếu quốc dân”. Thời điểm đó, cổ phiếu thép trở thành công thần khi luôn góp mặt vào những phiên tăng điểm của thị trường. 

Các cổ phiếu ngành thép liên tục giảm giá. Ảnh: FireAnt.
Các cổ phiếu ngành thép liên tục giảm giá. Ảnh: FireAnt.

Tuy nhiên, nửa cuối năm 2021, sự tăng điểm của thị trường lại thiếu sự đồng hành của nhóm cổ phiếu cơ bản. Dòng tiền có xu hướng tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, mang tính đầu cơ và trở nên “ghẻ lạnh” đối với nhóm cổ phiếu cơ bản, trong đó có cổ phiếu thép. 

Khi VN-Index liên tục lập vùng giá mới với nhiều kỷ lục mới về thanh khoản thì dường như cổ phiếu ngành thép vẫn “bất động”. Tiêu biểu là 3 cái tên làm nên tên tuổi của ngành thép là HPG của Tập đoàn Hòa Phát, HSG của Tập đoàn Hoa Sen và NKG của Thép Nam Kim. Kể từ khi tạo đỉnh vào hồi cuối tháng 10/2021 các cổ phiếu HPG, NKG và HSG liên tục có những diễn biến tiêu cực. Đến năm 2022, khi chỉ số VN-Index liên tục chinh phục đỉnh mới, các cổ phiếu thép vẫn “lầm lũi”. 

 

Về thị trường thép, Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng năm 2022 giá thép xây dựng sẽ tiếp tục giảm dựa trên các yếu tố, đầu tiên áp lực chính sách từ nhà nước để hạ giá thành sản xuất, trong đó rủi ro việc áp thuế xuất khẩu là hoàn toàn có thể xảy ra, trong đó Mirae Asset cho rằng mức áp thuế sẽ là 5% cho sản phẩm phôi thép. Thứ hai, chuỗi cung ứng trở lại vận hành bình thường và cuối cùng là Trung Quốc hạn chế lò cao khiến giảm nhu cầu quặng sắt, qua đó Mirae Asset cho rằng giá quặng sắt FE 56% năm 2022 sẽ duy trì ớ mức dưới 130 USD/tấn. Do đó, Mirae Asset dự phóng giá thép nội địa năm 2022 sẽ ở mức từ 15,3 - 15,7 triệu đồng/tấn, giảm tương ứng từ 10- 14% so với cùng kỳ năm 2021. 

Ở khía cạnh đầu tư, Mirae Asset kỳ vọng các công ty thép sẽ có sự hồi phục tốt về sản lượng trong quý IV/2021. Công ty Chứng khoán này đánh giá sẽ có sự phân hóa về tăng trưởng. Với các công ty sản xuất tôn mạ như HSG, NKG, Mirae Asset vẫn duy trì khuyến nghị tích cực nhờ tỉ trọng xuất khẩu/doanh thu các sản phẩm chủ lực đạt gần 60%. Với các công ty sản xuất thép xây dựng nội địa như HPG hay POM, Mirae Asset cho rằng ảnh hưởng sẽ lớn hơn nhưng tác động sẽ không quá tiêu cực nhờ chính sách mở cửa của chính phủ.

Trong năm 2022, công ty chứng khoán này cho rằng các công ty xuất khẩu sẽ khó duy trì biên lợi nhuận gộp lớn như năm 2021 do không còn yếu tố đầu cơ trong giá HRC. Mirae Asset dự phóng biên lợi nhuận gộp sẽ giảm từ 1-2% cho toàn ngành thép trong năm 2022. “Thị giá của NKG, HSG và HPG đã giảm lần lượt 37%, 31,5% và 23% trong 1 tháng vừa qua. Chúng tôi đánh giá thị giá hiện tại của NKG, HSG và HPG đã chiết khấu đủ hấp dẫn và khó có sự giảm mạnh như năm 2018 khi các công ty ngành thép hiện nay đều rất thận trọng trong việc đầu tư mới, do đó áp lực nợ dài hạn là không đáng kể”, Mirae Asset nhận định. 

Có thể bạn quan tâm 

Thanh khoản sàn HOSE tăng hơn 200% trong năm 2021


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới