Hủy
Công Nghệ

Công nghiệp game bùng nổ tại Đông Nam Á

Thứ Tư | 15/02/2017 15:19

Ngành công nghiệp trò chơi của Trung Quốc vẫn lớn nhất thế giới nhưng việc làm trong ngành này đang dịch chuyển về Đông Nam Á.
 

Chỉnh phủ các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, Malaysia và Singapore, đang đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ đáng kể cho các nhà thiết kế game, với mục đích thu hút nhân tài để phát triển ngành công nghiệp đang trên đà bùng nổ này, vốn được thúc đẩy nhờ nhu cầu game di động đang gia tăng mạnh tại Trung Quốc.

Các nhà phát triển game Nhật Bản cũng đang đẩy mạnh việc thiết lập các trung tâm thiết kế game tại Đông Nam Á, nhằm thu hút các tài năng trong khu vực và tiết kiệm chi phí.

Kan Supabanpot, đồng sáng lập hãng Studio Hive có trụ sở Bangkok, cho biết nhiều nhà phát triển game của phương Tây, Nhật Bản hay Trung Quốc đang xem xét chuyển hoạt động đến Ấn Độ, ASEAN và Đông Âu. Việc thiết kế game tại các nước này này vừa rẻ hơn, lại vừa có chất lượng tương đương hoặc thậm chí tốt hơn Trung Quốc, nhà sản xuất game lớn nhất châu Á.

"Các nhà sản xuất game từ phương Tây từng tin rằng chi phí thiết kế game tại Trung Quốc khá rẻ so với bất kỳ nơi nào khác, nhưng thực tế là chi phí tại Trung Quốc giờ đã quá đắt với các công ty phương Tây và Nhật Bản, và đó là lý do tại sao họ đang chuyển đến ASEAN", ông Kan cho biết.

Cong nghiep game bung no tai Dong Nam A
Doanh thu game PC và điện thoại tại Đông Nam Á. Nguồn: Niko Partners

Hầu hết khách hàng của Studio Hive đến từ Nhật Bản. Công ty này đang làm việc với hãng Square Enix Holdings để cùng sản xuất tựa game nhập vai đình đám Final Fantasy, cũng như hợp tác với hãng Blizzard Entertainment (Mỹ) cho tựa game  đánh bài Hearthstone. Đồng thời, Studio Hive cũng nắm giữ giấy phép duy nhất ở Thái Lan để phát triển sách và trò chơi dựa theo các bộ truyện tranh Marvel Comics.

"Những tựa game lớn như Final Fantasy thường được sản xuất bởi một đội ngũ 300-400 người được đặt rải rác ở nhiều nơi trên thế giới", ông Kan cho biết.

Không giống như các lĩnh vực giải trí khác, các nhà phát triển game thường phải tìm được hãng thiết kế đáng tin cậy để giao phó các tài sản trí tuệ và bí mật công nghệ của họ. Vì vậy, việc xây dựng được niềm tin giữa các đối tác là rất quan trọng.

Nhìn chung, nếu hợp đồng đầu tiên diễn ra tốt đẹp, một hãng phát triển game thường sẽ tiếp tục chọn đối tác cũ cho dự án kế tiếp, trừ khi chi phí bị đội lên quá cao hoặc chất lượng của nhà sản xuất khác vượt trội hơn. Điều này là một phần lý do tại sao các hãng game từng một thời ồ ạt đổ vào Trung Quốc nhưng giờ lại đang ùa sang Đông Nam Á.

"Ngành công nghiệp trò chơi của Trung Quốc vẫn là lớn nhất thế giới nhưng các việc làm thì đang dịch chuyển về Đông Nam Á", ông Kan nói.

"Tencent Holdings gần như kiểm soát hoàn toàn thị trường game Trung Quốc và đây cũng là công ty game lớn nhất thế giới. Hãng cũng có cổ phần tại nhiều công ty phát triển game trên thế giới như Blizzard. Tencent hiện đang sở hữu tựa game lớn nhất thế giới hiện này là League of Legends".

Cong nghiep game bung no tai Dong Nam A
Lượng người dùng internet qua điện thoại tại Trung Quốc

Việc thay đổi phân công lao động từ phương Tây sang Đông Nam Á, cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp game Trung Quốc, đã buộc các nhà phát triển game của nước này phải thay đổi. Họ đang đầu tư phát triển các dòng game mới dựa trên các câu chuyện mang đậm tính văn hóa Trung Hoa, nhưng phần đông người chơi vẫn thích dòng game theo hơi hướm phương Tây hơn.

Điều này đã khiến một số nhà phát triển game Trung Quốc thay đổi cách tiếp cận: họ mua lại toàn bộ một dự án của phương Tây và sản xuất chúng trong nước, hoặc thuê các công ty Ấn Độ và Đông Nam Á để gia công.

"Một ví dụ điển hình đó là Tencent đã góp vốn vào phim Warcraft của Legendary Pictures hồi năm ngoái. Đây là bộ phim dựa theo tựa video game nổi tiếng World of Warcraft", Kan cho biết.

"Hai, ba năm trước, Trung Quốc hoặc cùng sản xuất với phương Tây hoặc gia công các dự án giúp họ. Nhưng giờ, họ mua lại toàn bộ dự án và thuê ngoài để sản xuất".

Lượng người dùng internet khổng lồ tại Trung Quốc đang thúc đẩy ngành công nghiệp game nước này phát triển, đặc biệt là mảng game di động, và ông Kan tin rằng điều này sẽ giúp ngành công nghiệp game của ASEAN tăng trưởng.

Kan bình luận: "Ngành công nghiệp game của ASEAN sẽ tiếp tục mở rộng, cùng với sự gia tăng kiến thức về game cũng như sự chấp nhận của xã hội. Chẳng hạn, nhiều trường đại học tại Thái Lan hiện đã cung cấp các khóa đào tạo về sản xuất game.

"Tuy nhiên, vấn đề chính vẫn là thái độ làm việc của đội ngũ nhân sự. Đa số các nhà thiết kế game của Thái Lan không sẵn sàng chấp nhập ý kiến đóng góp, hoặc không muốn chỉnh sửa sản phẩm theo ý khách hàng. Đây là một trong những vấn đề lớn khi mà môi trường cạnh tranh đang trở nên khắc nghiệt hơn", Kan nói.

Trên thực tế, Việt Nam đang là nước thu hút các công ty Nhật Bản nhiều nhất, ông Kan cho hay.

"Phần lớn các công ty Nhật Bản đang mở văn phòng tại ASEAN đang tạo ra nhiều việc làm bán thời gian và thâm dụng lao động. Việt Nam đã đi trước Thái Lan trong việc cung cấp các ưu đãi và giáo dục ở lĩnh vực này".

Theo VentureBeat, doanh thu game năm 2014 tại khối 6 nước Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia và Indonesia đã đạt tổng cộng 784,4 triệu USD. Dịch vụ thông tin Niko Partners ước tính doanh thu game trên máy tính (PC) và di động tại Châu Á sẽ tăng từ 1,8 tỷ USD năm 2015 lên 3,3 tỷ USD vào năm 2020. Ngoài ra, doanh thu và người dùng của mảng game di động  tại châu Á cũng được kỳ vọng sẽ vượt qua mảng game PC vào năm 2018.

Niko Partners cho rằng Indonesia, Thái Lan và Việt Nam sẽ có mức doanh thu và tăng trưởng cao nhất, còn hai tựa game phổ biến nhất tại ASEAN sẽ là Dota 2 và League of Legends.

Cong nghiep game bung no tai Dong Nam A
Số lượng game thủ online tại Trung Quốc. Nguồn: China Internet Watch

Ông Kan cho biết nhiều quan chức chính phủ của Singapore và Malaysia đang chủ động tìm kiếm nhân sự tài năng tại các sự kiện lớn của ngành game trên khắp thế giới. Ông Kan cho rằng Việt Nam, Singapore và Malaysia vừa biết cung cấp các ưu đãi thuế tốt hơn, lại vừa ủng hộ tích cực cho các sự kiện game trong và ngoài nước để giúp thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển.

Singapore có ưu thế là hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển nhất Đông Nam Á, và đã thu hút nhiều tên tuổi lớn như tập đoàn Ubisoft (Pháp), vốn sở hữu các tựa game lừng danh như Assassin's Creed, Far Cry và Tom Clancy's Ghost Recon. Hãng này đã mở một studio tại Singapore.

Năm 2014, công ty Lucasfilm, vốn được thành lập bởi đạo diễn lừng danh George Lucas của loạt phim Star Wars, đã mở chi nhánh tại Singapore để làm hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình kỹ thuật số. Công ty hiện đang làm phim Transformers 4 và Avengers 2.

Tập đoàn game Bandai Namco của Nhật Bản, vốn thành danh với các loạt game đánh võ Tekken và Dynasty Warriors, cũng đã có văn phòng tại Singapore từ năm 2013.

"Singapore là một trong những nơi tốt nhất để khởi nghiệp và mở rộng các công ty công nghệ... và những ai thích làm video game trong khu vực thường chọn Singapore để tận dụng cơ hội lớn này", báo Strait Times (Singapore) dẫn lời của Henry Yeh, giám đốc điều hành hãng phát triển game di động Gumi Asia.

Ian Pang, một lãnh đạo cao cấp của Bandai Namco, cho biết chính phủ Singapore đã nỗ lực rất nhiều trong việc xây dựng nền tảng giúp các ngành công nghệ cao và công nghiệp game phát triển.

"10 năm trước, không có những thứ như trường dạy làm game hay các khóa đào tạo về game. Nhưng giờ, đã có các trường học chuyên về game như DigiPen, và một số trường cao đẳng cũng đang có các khóa học tương tự", ông Pang cho biết.

Ông Kan cho biết chính phủ Thái Lan sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành công nghiệp game và đưa vấn đề này vào chương trình phát triển kinh tế mang tên "Thái Lan 4.0". Lấy Tencent làm ví dụ, ông Kan lưu ý rằng công ty này có khởi đầu là một nhà phát triển game trước khi trở thành nhà cung cấp các dịch vụ internet hàng đầu của Trung Quốc.

An Phong

Nguồn Bangkok Post


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới