Hủy
Công Nghệ

Một Huawei khác

Văn Quốc Thứ Ba | 01/11/2022 08:00

Theo Gartner, Huawei đã trở thành nhà cung cấp IaaS lớn thứ 5 thế giới. Ảnh: scmp.com

Huawei đang trở nên tinh gọn hơn, đa dạng lĩnh vực hơn, nhưng ít “global” hơn.
 

Huawei một thời là cỗ máy khổng lồ không gì cản nổi. Được thành lập vào năm 1987, hãng công nghệ Trung Quốc đã vượt qua Ericsson (Thụy Điển) vào năm 2012 để trở thành nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Đến năm 2020, thị phần của Huawei trong lĩnh vực này đã vượt 30%, xấp xỉ thị phần của 2 đối thủ chính Ericsson và Nokia (Phần Lan) cộng lại. Trong cùng năm Huawei đã vượt qua Samsung trở thành hãng sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Các mảng điện toán đám mây và phần mềm tăng trưởng nhanh của Huawei đang bắt đầu cạnh tranh với IBM và Oracle của Mỹ.

Thế nhưng, thế sự xoay vần. Mọi tham vọng đã bị dập tắt trước những biến cố lớn. Trong một bản ghi nhớ gửi cho nhân viên bị tiết lộ ra ngoài gần đây, ông Ren Zhengfei, sáng lập kiêm CEO 78 tuổi của Huawei, nói rằng: “Công ty đang trong cuộc chiến sinh tồn”. 

Những làn gió ngược

Vài năm gần đây, chính quyền Mỹ xem Huawei là một rủi ro an ninh quốc gia khi cho rằng hãng này có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc và thiết bị của Hãng có thể được sử dụng cho mục đích gián điệp (Huawei phủ nhận các cáo buộc này). Kết quả là Washington đã cấm các thiết bị của Huawei tại thị trường Mỹ và buộc các nước đồng minh cũng phải loại Huawei khỏi cuộc chơi 5G toàn cầu. Đáng nói là Mỹ đã áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, không cho Huawei tiếp cận các công nghệ và sản phẩm Mỹ, trong đó có chip.

 

Tất cả những điều này đã khiến cỗ máy khổng lồ Huawei đột ngột hãm phanh. Sau nhiều năm tăng tốc mạnh mẽ, doanh thu của Huawei đã giảm gần 30% trong năm 2021, từ mức đỉnh xấp xỉ 140 tỉ USD của năm trước đó. Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu giảm 5,9%, đạt 44,8 tỉ USD trong khi biên lợi nhuận ròng chỉ còn 5% từ mức 9,8% cách đây 1 năm.

Một người trong nội bộ đánh giá mảng thiết bị di động của Huawei đã chết. Trong quý II/2022, Huawei đã rớt khỏi Top 5 hãng smartphone toàn cầu, theo Canalys. “2022 có lẽ là năm thách thức nhất đối với mảng thiết bị của chúng tôi”, Huawei gần đây tuyên bố. Công ty này cho biết thêm mảng thiết bị (chuyên bán smartphone và các hàng điện tử khác) bị tác động mạnh bởi COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu. Đối với mảng chính - mạng viễn thông, thị phần của Huawei cũng bắt đầu sụt giảm khi các quốc gia trên toàn cầu triển khai 5G.

Để sống sót qua cơn bão này, Ren đang chuyển hướng Huawei từ một công ty chỉ tập trung vào một số sản phẩm viễn thông cốt lõi sang một nhà cung cấp công nghệ và dịch vụ cho nhiều lĩnh vực khác nhau từ ô tô cho đến nông nghiệp. Nhưng sự chuyển hướng này cũng không dễ dàng trước chiến dịch ngày càng ráo riết của Mỹ nhằm ngăn cản Trung Quốc trở thành một cường quốc công nghệ. Tháng 10/2022, chính quyền Joe Biden đã công bố một số hạn chế mới, áp dụng đối với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc hơn và nhiều lĩnh vực hơn, nhất là những lĩnh vực mà Washington và Bắc Kinh đang so kè giành vị thế thống trị như trí tuệ nhân tạo và siêu máy tính.

Hiện tại, chiến lược của Mỹ đang có hiệu quả ở các thị trường phương Tây. Úc, Canada, New Zealand và Thụy Điển, chẳng hạn, đã theo chân Mỹ cấm thiết bị của Huawei. Các quy định mới ở Anh Quốc buộc các hãng viễn thông phải lấy tất cả công nghệ Huawei ra khỏi hệ thống 5G công cộng vào năm 2027. Pháp cũng có động thái tương tự. Các nước khác như Nhật không cấm Huawei nhưng tỏ thái độ “không chào đón”. Rủi ro thường trực về các lệnh cấm mới đã khiến nhiều khách hàng ở những nơi không có lệnh cấm cũng trở nên lạnh nhạt với Huawei, như đã diễn ra ở Ý và Bồ Đào Nha.

 

Cửa ra dường như vẫn mở cho Huawei, đặc biệt ở các nước đang phát triển, nơi vẫn có nhu cầu mua thiết bị giá rẻ của hãng này. Chẳng hạn, Huawei đang cung cấp 5G tại Indonesia, Ả Rập Saudi, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà điều hành tại Huawei cho biết đã ký được hơn 5.000 hợp đồng thương mại cho 5G trên toàn cầu, từ việc triển khai hoàn toàn hạ tầng 5G cho các hãng khai thác di động quốc gia cho đến việc nâng cấp 5G tại các cảng...

Số lượng hợp đồng Huawei có thể ký được trong thời gian tới còn phụ thuộc một phần vào hiệu quả của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mà Mỹ đang và sẽ áp dụng. Kể từ năm 2019, Mỹ hạn chế việc bán cho Huawei các chip cao cấp và hệ điều hành di động Android. Động thái này đã bóp chết mảng smartphone sôi động một thời của Huawei. Hệ điều hành riêng Harmony của Huawei thì lại không thu hút người sử dụng vì chỉ có vài ứng dụng. Và chính vì thiếu người sử dụng nên ngày càng ít có ứng dụng được phát triển cho hệ điều hành này.

Trong khi đó, lệnh cấm bán chip có nghĩa là dù Công ty đã xây dựng được hạ tầng 5G ở Trung Quốc nhưng điện thoại lại thiếu 5G vì chip radio buộc phải dựa vào công nghệ Mỹ. Điều đó buộc Huawei phải chia tách nhãn hàng smartphone Honor vào năm 2020. Doanh thu các thiết bị còn lại của Huawei đã giảm 25% trong 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ.

Thực ra, chip dùng trong thiết bị mạng ít tiên tiến hơn so với chip dùng trong smartphone và một số có thể được sản xuất trong nước như bởi SMIC, một công ty nhà nước. Tuy nhiên, không phải tất cả đều có thể sản xuất trong nước, ít nhất không phải trong tương lai gần. Chip Tiangang được thiết kế bởi bộ phận chip HiSilicon của Huawei để sử dụng trong các mạng 5G là được chế tạo bởi TSMC, một công ty sản xuất theo hợp đồng của Đài Loan mà giờ không còn cung cấp cho Huawei do các quy định của Mỹ. Huawei nói rằng vẫn còn có thể cung cấp hàng như bình thường, nhờ đã trữ hàng trước đó. Nhưng “lượng hàng trữ sẽ cạn rất nhanh thôi”, Bill Ray thuộc Gartner nhận xét.

Trên toàn cầu, thị phần thiết bị viễn thông của Huawei xét về doanh thu đã giảm khoảng 2 điểm phần trăm từ mức đỉnh hơn 30% của năm 2020, theo Dell’Oro. Doanh số bán toàn cầu của Huawei đối với các thiết bị này đã giảm 7% trong năm ngoái. Phần lớn doanh thu còn lại của Hãng đến từ Trung Quốc và một số thị trường nước ngoài, từ mạng 4G ít sinh lời hơn (vẫn đang được triển khai tại các nước nghèo hơn). Khi hoạt động đầu tư triển khai 5G của Trung Quốc giảm, thị phần toàn cầu của Huawei sẽ bị ảnh hưởng, theo Stefan Pongratz thuộc Dell’Oro.

Quan trọng hơn là những thay đổi này cho thấy một cuộc cách mạng trong cách Huawei vận hành.  Ảnh: TL.
Quan trọng hơn là những thay đổi này cho thấy một cuộc cách mạng trong cách Huawei vận hành. Ảnh: TL.

Cuộc chuyển hướng chiến lược

Tuy nhiên, người đứng đầu Huawei không hề nhụt chí. Ông tin rằng vẫn còn cơ hội để Huawei xoay chuyển tình thế, nhất là khi nỗ lực đưa Huawei trở thành nhà cung cấp công nghệ cho nhiều ngành khác nhau đang có dấu hiệu lạc quan. Huawei đã bán 300 triệu thiết bị chạy trên Harmony, bao gồm laptop, các thiết bị đeo trên người như đồng hồ thông minh và các thiết bị gia đình điều khiển bằng ứng dụng. Mới đây, Financial Times cũng cho biết Huawei có thể tái sản xuất điện thoại 5G sử dụng chip ít tiên tiến hơn.

 

Không chỉ vậy, Huawei đang mở rộng ra khỏi các mảng hàng tiêu dùng và viễn thông. Hãng đang sản xuất cảm biến để theo dõi điều kiện đất, giúp nông dân điều chỉnh hệ thống tưới tiêu và giảm sử dụng phân bón, đồng thời đang xây dựng mảng các hệ thống tạo điện sạch.

Huawei cũng đã trở thành nhà cung cấp lớn các phần mềm và hàng điện tử cho các nhà sản xuất ô tô, mà Hãng đã bắt tay để phát triển những hệ thống được đặt làm theo yêu cầu, như quản lý năng lượng cho xe điện. Huawei cho biết chỉ riêng tháng 7 vừa qua, Hãng đã bán hơn 7.200 chiếc AITO M5, một mẫu ô tô đồng phát triển với Seres, một nhà sản xuất ô tô thuộc sở hữu Trung Quốc có trụ sở đặt tại California, Mỹ.

Huawei cũng đang đẩy mạnh bộ phận doanh nghiệp. Bộ phận này đang xây dựng các trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây trên khắp thế giới. Triển vọng của các mảng này đang rất khả quan tại Trung Quốc, nơi nguồn cầu lớn nhất trong thập kỷ tới sẽ đến từ các công ty nhà nước và chính phủ (trong đó có chính quyền cấp tỉnh và cấp thành phố vì họ đang nâng cấp các hệ thống địa phương nhằm đưa ngày càng nhiều dịch vụ công lên online).

Giới phân tích đánh giá Huawei không có được lợi thế kỹ thuật trong việc cung cấp IaaS (hạ tầng như một dịch vụ) như các đối thủ lớn trong nước Alibaba và Tencent. Nhưng Huawei lại có các mối quan hệ chính phủ để giành được những hợp đồng quan trọng nhất trong thập niên tới, theo Yi Zhang thuộc Canalys. Chỉ trong vài năm, lợi thế này đã giúp Huawei trở thành nhà cung cấp đám mây lớn thứ 2 tại Trung Quốc, chỉ sau Alibaba. Nhiều công ty Trung Quốc đang muốn sử dụng cơ sở dữ liệu địa phương thay vì sử dụng dịch vụ của các công ty nước ngoài như Oracle. Huawei đang giành lấy mảng kinh doanh này. Nhờ đó, trong khi doanh thu bộ phận thiết bị giảm mạnh trong nửa đầu năm 2022, doanh số bán của bộ phận doanh nghiệp đã tăng tới 28% lên 7,6 tỉ USD, chiếm 18% tổng doanh thu của Huawei. Theo Gartner, Huawei đã trở thành nhà cung cấp IaaS lớn thứ 5 thế giới.

Dù vậy, duy trì sự hiện diện tại các thị trường nước ngoài vẫn tiếp tục là thách thức rất lớn đối với người đứng đầu Huawei. Ren từ lâu hiểu được tầm quan trọng của việc nắm giữ thị phần toàn cầu. Từ cuối thập niên 1990, ông đã bắt đầu đưa nhân viên đến những vùng đất xa xôi tận châu Phi và Nam Mỹ chỉ để tạo các mối liên kết địa phương. Chiến lược này đã giúp Huawei trở thành tập đoàn đa quốc gia đúng nghĩa đầu tiên của Trung Quốc.

Do đó, Ren tin rằng cho dù các mảng kinh doanh mới có gặp khó khăn ở thị trường Mỹ, Hãng vẫn có cơ hội ở phần lớn các thị trường khác.Có thể thấy, mảng quản lý năng lượng của Huawei đang tăng trưởng nhanh ở châu Âu. Và theo nguồn tin nội bộ, trong 3 năm qua, Huawei đang nỗ lực xây dựng năng lực IaaS ở châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Đông và Đông Nam Á.

Nhưng thậm chí tại những nơi chào đón Huawei, các rào cản kỹ thuật vẫn rất cao. Phần lớn công nghệ máy tính của thế giới chạy trên các chương trình được thiết kế bởi tập đoàn công nghệ Mỹ Microsoft. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu của Huawei lại chạy trên hệ điều hành nguồn mở Linux. Như đánh giá của Boris Van thuộc Bernstein, khó khăn kỹ thuật của việc thuê Huawei để thay thế các hệ thống Mỹ đang chạy trên hệ thống của Oracle và IBM, vốn tương thích hơn với Microsft, là đặc biệt cao. Lấn lướt các doanh nghiệp Mỹ ở thị trường Trung Quốc là một chuyện, làm được điều đó ở nước ngoài là một chuyện khác. Và dù Huawei đã trữ lượng lớn chip cần dùng cho các sản phẩm doanh nghiệp của Hãng nhưng các quy định mới của Mỹ sẽ khiến cho Huawei càng khó khăn trong việc bổ sung lượng trữ hàng.

Quan trọng hơn là những thay đổi này cho thấy một cuộc cách mạng trong cách Huawei vận hành. Trong quá khứ, bộ phận R&D khổng lồ của Huawei chịu trách nhiệm phát triển các công nghệ mới, lực lượng kỹ sư hùng hậu sẽ phát triển chúng trở thành một số sản phẩm lõi và bộ phận bán hàng bán chúng cho khách hàng ở 2 lĩnh vực chính: viễn thông và hàng điện tử tiêu dùng.

Mô hình đầu cuối một chiều này đang được thay thế bởi mô hình 2 chiều cởi mở hơn mà theo đó, Huawei phát triển các sản phẩm mới qua những thương vụ hợp tác trong các ngành công nghiệp. Nguồn tin thân cận cho biết giờ Huawei giống một mạng lưới khổng lồ gồm các startup với dòng tiền R&D rủng rỉnh. Công ty thường chi 20% doanh thu hằng năm vào R&D, tương tự Meta và gần gấp đôi Alphabet. Con số này đã lên tới khoảng 122 tỉ USD trong suốt 1 thập kỷ qua.

Tuy nhiên, một thực tế là dù 100.000 kỹ sư ở Huawei mang đến vô số cải tiến, nhưng rất khó để tưởng tượng Huawei sẽ lấy lại được ánh hào quang toàn cầu của ngày trước trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung vẫn chưa hạ nhiệt.

 

Nguồn Tổng hợp


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới