Hủy
Công Nghệ

Netflix không đe doạ được các nhà cung cấp VOD trong nước

Thứ Hai | 12/12/2016 15:33

Giá dịch vụ của Netflix vẫn còn cao so với mặt bằng thu nhập của người dùng Việt Nam.
 

Thị trường phim online (hay còn gọi là VOD/TVOD) đang gợn lên những cơn sóng nhỏ khi hàng loạt doanh nghiệp/website cung cấp dịch vụ đã dần có sự chuẩn hóa bản quyền và quyết định thu phí. Ở hướng từ ngoài vào, một “ông lớn” trong lĩnh vực này là Netflix (Mỹ) cũng đã thâm nhập thị trường Việt Nam. Những dấu hiệu này cho thấy thị trường dịch vụ phim online đang nhen nhóm những cuộc “quyết đấu”. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lương Công Hiếu - Tổng Giám đốc Fim+ xung quanh vấn đề này.

* Tháng 1.2016, Netflix công bố kế hoạch mở rộng thị trường thêm khoảng 70 quốc gia trong đó có Việt Nam, và sau đó cập nhật bảng giá dịch vụ thanh toán bằng VND. Vậy trong gần 1 năm qua, Netflix có là mối đe dọa hay đáng ngại đối với các nhà cung cấp dịch vụ VOD/TVOD như Fim+ hay Danet?

- Netflix không đe doạ được các nhà cung cấp dịch vụ VOD trong nước như Fim+. Bởi vì, về luật, Netflix tới nay vẫn cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, nội dung chưa được kiểm duyệt theo pháp luật Việt Nam. Thứ hai, Netflix áp dụng một chính sách giá dịch vụ cho toàn cầu. Vì vậy khi tới Việt Nam, giá dịch vụ của NetFlix cao so với mặt bằng thu nhập của người dùng. Để so sánh, người dùng trả cho Netflix khoảng 170.000 đồng/tháng để xem phim chất lượng SD (Standard) và chỉ được xem 1 thiết bị. Trong khi đó, giá dịch vụ Fim+ của chúng tôi là 50.000 đồng/tháng để xem phim chất lượng HD (High Definition), đồng thời xem được trên 5 thiết bị, trong đó có 2 thiết bị có thể xem cùng lúc. Về nội dung, Fim+ có kho phim điện ảnh Việt Nam với nhiều phim chiếu rạp đặc sắc, điều này các dịch vụ như Netflix hoàn toàn không có.

* Vậy thị trường dịch vụ VOD tại Việt Nam đang thực sự nằm trong tay ai?

- Hiện có 5 công ty cung cấp dịch vụ VOD trong đó Fim+ chiếm thị phần lớn nhất.  Thị trường phim VOD bản quyền tại Việt Nam xuất hiện vào năm 2014 với sự tiên phong là dự án Fim+. Đến nay Fim+ đã chính thức có mặt trên 10 nền tảng gồm set-top box, IPTV VNPT, Viettel, FPT, smartTV Samsung, Sony, LG, PC, iOS, Android. Và vào đầu năm 2016, có 4 nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước mới tham gia.

* Làm dịch vụ cung cấp phim bản quyền online còn nhiều rủi ro vì đa số người dùng chưa quen xem trả phí, trong khi đó các nhà cung cấp lại phải khá “mệt mỏi”, “chật vật” để có được bản quyền từ nước ngoài?     

 - Thị trường VOD Việt Nam còn quá bé để các hãng phim lớn trên thế giới quan tâm. Ngay cả khi có được sự quan tâm của các hãng phim, lại phải đối mặt với những hợp đồng bản quyền không những đắt đỏ mà phải gọi là cắt cổ. Vì các hãng phim Hollywood với hàng trăm năm kinh nghiệm bản quyền, có đầy đủ các điều khoản chặn trên, chặn dưới khiến việc kinh doanh VOD dù thành công hay thất bại thì hầu như hãng phim cũng ít chịu thiệt.

Netflix khong de doa duoc cac nha cung cap VOD trong nuoc
Xem phim trên thiết bị di động với các gói dữ liệu là hướng rẽ để tăng nguồn thu và tiếp cận khách hàng mới.

* Thực ra thì các nhà cung cấp dịch vụ VOD đã có lãi hay chưa, đặc biệt trong trường hợp phải “đua” mang về các phim mới và nóng để cung cấp trực tuyến?

- Hầu như 100% các phim Hollywood TVOD ngay sau chiếu rạp được phát hành tại Fim+ đều thu không đủ bù chi nếu tính so sánh riêng tiền vé với chi phí bản quyền, đó là chưa kể các chi phí thương hiệu, tiếp thị khác. Số lượng người mua vé trực tuyến còn chưa cao do phim lậu vẫn tràn lan trên mạng.

* Vậy nguyên nhân được cho là do các trang web phát hành phim lậu, phim giá rẻ hay do tập quán người dùng khiến dịch vụ VOD chưa thể phát triển mạnh?

- Tôi cho là 2 vấn đề thực chất là 1 vấn đề quan trọng và có liên quan. Các trang web/app chiếu phim không bản quyền phát triển tràn lan càng tạo ra thói quen sử dụng nội dung không trả phí của người dùng. Trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia Âu, Mỹ, việc trả tiền để thưởng thức nội dung đã trở thành tập quán vì quy định bản quyền chặt chẽ của Hollywood studios về quyền và lộ trình sử dụng nội dung.

Chẳng hạn một bộ phim sau ngày ra mắt công chúng lần đầu tiên, sẽ được lưu hành tại các rạp trong khoảng 3-4 tháng; sau quyền chiếu rạp 4 tháng, bộ phim này mới được cấp quyền phát hành VOD có thu phí (Phim Có Phí). Lộ trình VOD có thu phí tùy theo quy định của mỗi studio thông thường từ 6 tháng trở lên. Lộ trình kế tiếp là quyền phát hành trên truyền hình trả tiền và lộ trình sau đó nữa là đi vào thư viện phim (được gọi là Phim Gói).

* Trong lúc dịch vụ VOD thu phí nói chung đang gặp khó khăn thì những nah2 cung cấp như Fim+ mở hướng hợp tác với nhà mạng cung cấp phim qua các gói dữ liệu 3G, 4G để “gỡ gạc”, đặc biệt là trên nền tảng di động?

- Chiến lược hợp tác với nhà mạng thông qua các gói dữ liệu 3G, 4G là việc hợp tác nhiều bên cùng có lợi. Người dùng là người được hưởng lợi ích nhiều hơn thay vì chỉ đơn thuần là các gói dữ liệu 3G, 4G khô khan trước đây. Nhà mạng có thêm dịch vụ để tăng doanh thu. Fim+ tiếp cận được với nhóm người dùng di động có nhu cầu lớn về dữ liệu video. Tiện ích ở đây là người dùng chỉ cần trả tiền 1 lần, có thể dùng 1 tài khoản xem trên nhiều thiết bị, nên người dùng mặc dù đăng ký Fim+ thông qua gói dữ liệu 3G, 4G nhưng vẫn có thể xem được trên các màn hình lớn như smartTV, máy tính, máy tính bảng.

Nguồn Lao Động


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới