Hủy
Kinh Doanh

Không tăng giá điện: Giải pháp tạm thời đảm bảo lạm phát dưới 4%

Vân Nguyễn Thứ Năm | 12/07/2018 08:28

 
 
Lạm phát bật tăng trong quý II, Nghị quyết phiên họp Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh vấn đề “kiểm soát”.

Nghị quyết phiên họp Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ tháng 6.2018 phát hành hôm 11.8, một lần nữa nhấn mạnh nội dung “kiểm soát lạm phát” để hỗ trợ tăng trưởng.

Nghị quyết yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật các kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2018 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, có tính đến các diễn biến mới trên thị trường quốc tế về giá cả hàng hóa, chu chuyển thương mại, đầu tư, tài chính.

“Lạm phát tiếp tục gia tăng trong quý II, nối tiếp xu hướng của quý I năm nay”, Báo cáo Kinh tế Quý II của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), công bố cùng ngày 11.8, nhận đinh.

Lạm phát toàn phần tăng dần từ 2,66% trong tháng Ba lên 4,67% vào tháng Sáu. Tính chung 6 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017. Đồng thời, CPI tính đến cuối tháng 6.2018 tăng 2,22% so với cuối tháng 12/2017.

 “Việc phục hồi giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, đặc biệt là thực phẩm, dẫn tới việc lạm phát gia tăng”, Viện trưởng VEPR, TS Nguyễn Đức Thành, nhận xét. Ông cho rằng, nhóm này có quyền số lớn trong rổ hàng hóa CPI (36,12%) và đã tăng giá tới 5,1% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất kể từ năm 2014.

Thậm chí, tới đây, đóng góp vào CPI của nhóm hàng ăn uống dự kiến sẽ còn lớn hơn, nếu giá thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn, hồi phục về mức trước khủng hoảng dư cung thịt lợn năm ngoái.

Các dịch vụ công tiếp tục là nhân tố đóng góp quan trọng cho sự gia tăng CPI trong Quý 2, Viện trưởng VEPR nhận định.

Việc tất cả các địa phương đã hoàn thành tăng giá dịch vụ y tế với các đối tượng không có thẻ bao hiểm y tế khiến giá nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tháng Sáu tăng 12,96% so với cùng kỳ năm trước, riêng dịch vụ y tế tăng 16,73%.  Bên cạnh đó, 

CPI nhóm hàng giáo dục cũng tăng 6,12% tại thời điểm cuối quý II/2018 so với cùng kỳ quý II/2017, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 6,81%.

Trong bối cảnh giá nhiên liệu trên thị trường thế giới không ngừng tăng từ đầu năm 2018, giá xăng dầu trong nước cũng liên tục được điều chỉnh tăng theo. Tính bình quân 6 tháng đầu năm, giá xăng dầu đã tăng 13,95% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 0,59% vào CPI tổng.

TS Thành cho rằng, tới đây khi giá nhiên liệu thế giới không có dấu hiệu hạ nhiệt cùng với việc thuế môi trường đánh trên xăng dầu tăng kịch trần lên 4.000 đồng/lít, nhóm hàng giao thông, đặc biệt là xăng dầu, sẽ tiếp tục đóng góp lớn cho mức tăng CPI chung.

Trước nguy cơ lạm phát tăng cao trong những tháng còn lại của năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra chỉ đạo không tăng giá điện trong năm nay. “Chúng tôi đánh giá, đây chỉ là giải pháp tạm thời  để đạt mục tiêu lạm phát bình quân dưới 4% trong năm nay”, TS Thành nhận xét.

Trên thực tế, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh vào cuối tháng 11.2017, với mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh). Thời điểm điểu chỉnh là từ 1.12.2017.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới