Hủy
Kinh Doanh

Ngân hàng lách cửa tín dụng bằng trái phiếu doanh nghiệp?

Hữu Hiệp Thứ Tư | 01/01/2020 10:00

Ảnh: QH

Một số ngân hàng có thể sử dụng trái phiếu doanh nghiệp như một “cửa thoát” cho các quy định về giới hạn tín dụng.
 

Ngày càng nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành trái phiếu, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản. Theo Công ty Chứng khoán SSI, tính tới hết 11 tháng năm 2019, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành đạt 237.000 tỉ đồng, cao hơn 6% so với cả năm 2018. Một số ý kiến cho rằng đây là cách đảo nợ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, khi đa số người mua là các ngân hàng, thì trái phiếu doanh nghiệp lại có thể trở thành một công cụ hữu hiệu để ngân hàng đối phó với các quy định thắt chặt tín dụng vào bất động sản như Thông tư 36, Thông tư 22 hay Quyết định 2416 của Ngân hàng Nhà nước.

Liên tục chào bán

Theo khảo sát, một số ngân hàng và các công ty chứng khoán “con ngân hàng” liên tục chào bán cho nhà đầu tư cá nhân, tổ chức với mức lợi suất hấp dẫn. Ví dụ, Techcombank hoạt động trong lĩnh vực bảo lãnh, phát hành đầu tư trái phiếu thông qua công ty con Chứng khoán Kỹ Thương với hơn 80% thị phần giao dịch trái phiếu tại HOSE. Theo giới thiệu, đơn vị này đang chào bán nhiều trái phiếu có lợi tức lên đến 9,5% ở kỳ hạn cao (36 tháng), 7,75% với kỳ hạn ngắn (dưới 12 tháng).

Trong số trái phiếu mà các ngân hàng phân phối trực tiếp hay gián tiếp, có rất nhiều trái phiếu của doanh nghiệp (công ty con) bất động sản như Vinhomes, Novaland, Đất Xanh, Hưng Thịnh, Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc. Điểm hấp dẫn của sản phẩm này đối với nhà đầu tư cá nhân là (1) lãi suất cao hơn gửi ngân hàng cùng kỳ hạn; (2) nhà đầu tư có thể mang số trái phiếu này thế chấp chính ngân hàng đó để vay đến 100% giá trị; (3) hầu như ngân hàng/công ty chứng khoán (bên bán) đều có hình thức cam kết mua lại một phần hoặc toàn bộ trái phiếu trước hạn khi nhà đầu tư mua; (4) nhiều công ty bất động sản còn kèm thêm cam kết chiết khấu trên giá bán sản phẩm cũng như ưu tiên chọn căn hộ khi khách hàng mua trái phiếu sau đó mua sản phẩm bất động sản của công ty.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, các ngân hàng mua nhiều trái phiếu bất động sản có thể kể đến như MB Bank, Techcombank, VPBank, MSB, SeABank với nhiều chương trình bán trái phiếu doanh nghiệp cho cá nhân. Các ngân hàng/công ty chứng khoán chào bán trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư nhưng khuyến khích họ chọn phương án bán lại sau 6-9 tháng.
 

 

Việc ngân hàng mua lại trái phiếu trước 12 tháng còn có một tác dụng khác. Thứ nhất là tăng tính hấp dẫn cho nhà đầu tư cá nhân; thứ 2 là khi mua lại trái phiếu thì khoản cho vay này đã trở thành “cho vay ngắn hạn” nên ngân hàng “thoát được” trần tỉ lệ vốn ngắn hạn/cho vay trung và dài hạn. 

Bằng cách này, ngân hàng có thể mua trái phiếu doanh nghiệp trước rồi tùy thời điểm mà chào bán cho nhà đầu tư cá nhân với mức lãi suất hấp dẫn và cam kết mua lại sau thời gian thích hợp để khống chế tỉ lệ vốn ngắn hạn/cho vay trung và dài hạn hay tỉ lệ LDR trong giới hạn quy định của Thông tư 22.

Theo Công ty Chứng khoán MayBank Kim Eng, khi ngân hàng bán trái phiếu doanh nghiệp thì khoản này sẽ không còn nằm trong tổng dư nợ cho vay nữa, còn sau khi mua lại thì nó sẽ lại nằm trong danh mục “Các khoản đầu tư vào giấy tờ có giá” và được tính vào “Tổng dư nợ cho vay”. Theo đó, đầu tư trái phiếu sẽ khiến chất lượng khoản nợ được ghi nhận trên báo cáo tài chính không được phân loại chính xác.

Việc chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân là hoàn toàn khả thi vì với lợi suất trái phiếu bất động sản từ tổ chức phát hành khá cao 10%, ngân hàng có thể chào lại cho nhà đầu tư cá nhân mua nắm giữ dưới 12 tháng với mức lãi suất miễn sao cao hơn lãi suất tiền gửi ngắn hạn, theo Quyết định số 2415/QĐ-NHNN chỉ từ 0,8-5,5%. Các ngân hàng có thể sử dụng công cụ này là những đơn vị đã gần chạm tỉ lệ trần quy định về vốn ngắn hạn/cho vay trung dài hạn hay tỉ lệ LDR.
 

 

Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, việc bán trái phiếu doanh nghiệp lại cho người dân có thể xem như một “cửa thoát” cho ngân hàng dưới các quy định về giới hạn tín dụng. Tuy nhiên, ông cho rằng nhiều người dân có thể lầm tưởng trái phiếu doanh nghiệp giống gửi tiền tiết kiệm vì có ngân hàng cam kết mua lại. Thực chất người mua có thể gặp nhiều rủi ro khác. Chẳng hạn, nếu sau 9 tháng, công ty phát hành bị phá sản thì theo những tiêu chuẩn quy định, ngân hàng có còn được phép mua lại trái phiếu đó hay không, mặc dù ngân hàng đã cam kết từ trước?

Mặc dù phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu nhà nước là sự phát triển cần thiết cho nền kinh tế nhưng có lẽ, cần nhiều quy định hơn về thị trường này để minh bạch cũng như bảo vệ quyền lợi người mua trái phiếu, đặc biệt là người mua cá nhân.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới