Hủy
Kinh Doanh

Ra mắt Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho ngành Chè

Thứ Hai | 17/11/2014 20:30

Ban Chỉ đạo gồm có 14 thành viên do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh làm Trưởng ban.
 

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo còn có Phó Trưởng ban là ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt.

Chiều ngày hôm nay (17/11), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chính thức tổ chức Lễ ra mắt Ban chỉ đạo Phát triển chè bền vững theo Quyết định số 3886/QĐ–BNN–TCCB của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Các đại biểu tham gia tại Lễ ra mắt Ban chỉ đạo phát triển chè bền vững.
Các đại biểu tham gia tại Lễ ra mắt Ban chỉ đạo phát triển chè bền vững.

Phát biểu tại Lễ ra mắt, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, trong những năm qua, Chính phủ và các Bộ đã quan tâm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ nhằm giúp ngành chè chọn tạo, nhập nội được nhiều giống chè có năng suất cao, chất lượng tốt, hỗ trợ nông dân trồng chè, chế tạo thiết bị, cải tiến quy trình canh tác và chế biến; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.

“Cùng với một số ngành như gạo, càphê, có thể khẳng định ngành hàng chè cần phải có Ban chỉ đạo để phát triển bền vững hơn nữa. Hiện nay cơ giới hóa đã được áp dụng mạnh trong ngành chè và đây được coi là hướng đi phù hợp,” Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định.

Những năm qua, cây chè đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, tuy nhiên còn nhiều điểm nghẽn về giống, chăm sóc chế biến, thị trường cần tháo gỡ. Do đó việc thành lập Ban chỉ đạo được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho ngành chè cũng như có các kế hoạch hành động cụ thể hơn cho ngành chè trong thời gian tới.

Theo ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt làm Phó Trưởng ban chỉ đạo phát triển chè bền vững, từ nay đến năm 2020, ngành chè dự kiến duy trì khoảng 140.000 ha đồng thời quy hoạch phát triển vùng chè an toàn tại các tỉnh Nghệ An, Sơn La, Yên Bái và triển khai VietGAP để nâng cao chất lượng chè nhằm tăng năng suất cũng như chất lượng chè phục vụ nhu cầu tiêu thu trong nước và xuất khẩu.

Tại Lễ ra mắt, Ban chỉ đạo ngành Chè cũng cho rằng, nội dung trước mắt Ban chỉ đạo sẽ tập trung rà soát công tác cơ cấu giống chè trên cả nước để các địa phương có định hướng phát triển. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo sẽ tiếp tục hoàn thiện tiêu chuẩn Việt Nam, xây dựng dự án phát triển giống chè đến năm 2020, hỗ trợ đắc lực cho việc nâng cao chất lượng chè và tới đây, Ban chỉ đạo sẽ đánh giá lại các mô hình phát triển chè bền vững, nhất là tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh để nhân rộng ra nhiều địa phương khác.

Ban chỉ đạo cũng sẽ quan tâm hơn đến vấn đề cân đối giữa sản xuất nguyên liệu và công nghiệp chế biến với sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa các bộ, ngành có liên quan. Bên cạnh đó sẽ tạo ra các cơ chế chế bảo hộ đầu tư đối với các doanh nghiệp đầu tư mạnh cho nông dân theo QĐ 62/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Mặt khác, đại diện của Ban chỉ đạo cũng nêu rõ, để phát triển chè bền vững Ban chỉ đạo sẽ đề xuất các địa phương điều chỉnh lại quy hoạch cơ sở chế biến chè trên địa bàn tỉnh, tiến hành phân vùng nguyên liệu cụ thể cho từng cơ sở chế biến và rà soát chặt các cơ sở chế biến đảm bảo tiêu chuẩn cũng như hướng dẫn doanh nghiệp chế biến ký kết hợp đồng với nông dân trồng chè.

Nguồn Vietnam+


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới