Sau những khó khăn, hàng không Việt sắp đón nhận tin vui
Ảnh: TL.
Cục Hàng không Việt Nam gửi lên Bộ Giao thông Vận tải đề xuất mở lại 6 đường bay quốc tế trong ngày 15.9, gồm Trung Quốc, Nhật , Hàn Quốc, Đài Loan, Lào, và Campuchia. Theo đó, 3 hãng bay Vietnam Airline, Pacific Airlines và Vietjet Air sẽ được phân công khai thác và những hành khách sẽ phải cách ly theo đúng quy định. Đây là một tin vui cho các hãng hàng không, điều này có thể giúp hàng không cải thiện được tình hình kinh doanh đang ngày càng sa sút.
Thua lỗ kéo dài liên tiếp
Xét theo tình hình hiện tại, Vietnam Airline thua lỗ kéo dài liên tiếp 2 quý đầu năm, sau phương án gửi gói cứu trợ 12.000 tỉ đồng, hiện hãng hàng không quốc gia đang trong hoàn cảnh “xoay sở” chờ giải cứu. Theo Báo cáo tài chính soát xét bán niên của Vietnam Airlines, dư nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines tính đến thời điểm 30.6.2020 tăng mạnh hơn 5.000 tỉ đồng so với đầu kỳ.
Trong đó, Vietcombank đứng đầu với dư nợ tăng mạnh lên 3.200 tỉ đồng (so với con số 769 tỉ đồng đầu kỳ), Vietinbank hỗ trợ cho vay 288 tỉ đồng, Techcombank cho vay 488 tỉ đồng, BIDV cấp thêm hơn 1.100 tỉ đồng tiền vay ngắn hạn, Maritime Bank cho vay hơn 303 tỉ đồng ngắn hạn, DongABank cũng tăng dư nợ ngắn hạn từ mức 36 tỉ đồng lên hơn 469 tỉ đồng. Các khoản vay ngắn hạn từ các ngân hàng hiện không được đảm bảo.
Theo kiểm toán viên, tại ngày 30.6.2020, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines cao hơn 18.444 tỉ đồng so với tài sản ngắn hạn. Trong kỳ hoạt động 6 tháng kết thúc cùng ngày, Công ty lỗ 6.678 tỉ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 5.362 tỉ đồng.
Trước nhiều khó khăn, Vietnam Airline tính đến phương án bán máy bay để xoay vốn nhưng hiện tại chưa có đối tác mua. Thực tế, ngành hàng không của Việt Nam cũng như thế giới đều đang khó khăn nên khó để Vietnam Airline có thể tìm được người mua.
Ảnh: vtc. |
Vietjet Air có vẻ khả quan hơn khi báo cáo Công ty mẹ, nhưng cũng không thoát thua lỗ. Báo cáo kết quả kinh doanh riêng của công ty mẹ VietJet Air trong quý II/2020 tiếp tục ghi nhận khoản lỗ hơn 1.925 tỉ đồng trong hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ, nâng tổng số lỗ ở mảng này trong nửa đầu năm lên gần 2.800 tỉ đồng.
Mảng kinh doanh chính của Hãng sụt giảm lớn khiến lợi nhuận sau thuế hợp nhất tiếp tục ghi nhận con số lỗ hơn 1.122 tỉ đồng trong quý II và nâng tổng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ VietJet Air trong nửa đầu năm nay lên con số lỗ gần 2.112 tỉ đồng.
Giải thích về khoản lỗ nói trên, VietJet Air cho hay do là hãng hàng không chi phí thấp với khả năng tối ưu hóa chi phí hoạt động nhưng Hãng vẫn phải duy trì chi phí cố định để chuẩn bị nguồn lực khi thị trường trở lại.
Mở cửa đường bay quốc tế: Liều thuốc giảm đau tạm thời
Trước nhiều khó khăn của ngành hàng không, chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ đối với nghiệp vụ vận tải hàng không. Cụ thể, chính sách giảm 50% giá cất cánh hạ cánh... từ tháng 3 đến hết tháng 9.2020. Giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay, cụ thể giảm 30% từ 3.000 VND/lít xuống 2.100 đồng/lít, ước tính Vietnam Airlines sẽ tiết giảm được 225 tỉ đồng chi phí nhiên liệu.
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cũng hỗ trợ bằng cách giảm giá 7 dịch vụ bao gồm, dẫn máy bay giảm 50%, thang ống, thuê băng chuyền... giảm 10%, thuê văn phòng đại diện giảm 100% với các hãng dừng bay và 30% đối với hãng vẫn duy trì bay.
Hiện tại, trước đề xuất mở cửa 6 đường bay quốc tế, dự kiến đón khoảng gần 5.000 khách, tại cả 2 đầu Hà Nội và TP.HCM. Nếu đề xuất này được phê duyệt, các hãng bay có thể thu về một khoản chi phí cầm cự qua giai đoạn để có thể phục hồi.
Theo đề xuất của Cục Hàng không, Vietnam Airlines và Pacific Airlines sẽ khai thác các đường bay bao gồm TP.HCM đi Quảng Châu (1 chuyến/tuần, 343 ghế), Hà Nội đi Tokyo (1 chuyến/tuần, 343 ghế), Hà Nội đi Seoul (1 chuyến/tuần, 343 ghế), TP.HCM đi Đài Bắc (1 chuyến/tuần, 343 ghế), Cần Thơ đi Phnom Penh (1 chuyến/tuần, 203 ghế) và Hà Nội đi Vientiane (1 chuyến/tuần, 203 ghế).
Trong khi đó, Vietjet Air được đề xuất khai thác các đường bay gồm TP.HCM đi Tokyo (1 chuyến/tuần, 240 ghế), TP.HCM đi Seoul (1 chuyến/tuần, 240 ghế) và Hà Nội đi Đài Bắc (1 chuyến/tuần, 240 ghế). Theo đề xuất, các chuyến bay từ 6 quốc gia trên đến Việt Nam sẽ do các hãng hàng không tại 6 quốc gia thực hiện. Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vietjet Air chỉ thực hiện các chuyến bay chiều đi quốc tế.
► Hàng không tái cơ cấu lại đội bay
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Trịnh Tuấn