Hủy
Kinh Doanh

Tăng “được”, giảm “mất” trong hội nhập TPP

Thứ Ba | 10/12/2013 14:05

TPP là cuộc chơi quan trọng để khai thác được những lợi thế nhưng cũng còn quá nhiều thách thức ở phía trước.
 

Việt Nam đang trong tiến trình đẩy nhanh đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP). Đây được coi là Hiệp định xuyên Thế kỷ 21, sẽ tạo ra một bước ngoặt kinh tế lớn cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và vì thế, cho cả thế giới.

Cũng vì thế, đây sẽ là cuộc chơi quan trọng nếu chúng ta hội nhập thành công và khai thác được những lợi thế từ Hiệp định này mang lại. Tuy nhiên, còn quá nhiều thách thức ở phía trước đòi hỏi phải được nhận diện và có giải pháp để vượt qua.

Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những bất cập khi tham gia TPP.

Nước ta vừa tổng kết 6 năm gia nhập WTO - Tổ chức Thương mại thế giới; nước ta đang thực thi tích cực Hiệp định thương mại tự do khu vực Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN - AFTA); nước ta đang đẩy nhanh tiến trình đàm phán tham gia TPP… Đây là những công việc tất yếu của một quốc gia đang phát triển với mong muốn tham gia nền kinh tế thị trường toàn cầu.

Đây cũng là thách thức và cơ hội để chúng ta nhìn lại mình, so sánh để cải thiện mình hướng tới những giá trị tích cực và tiến bộ. Không cho riêng một ngành, một bộ hay một lĩnh vực nào, hội nhập là bài toán của cạnh tranh trí tuệ, cạnh tranh năng lực và cạnh tranh giải pháp để giành chiến thắng trong cuộc chơi toàn cầu.

Vì thế, hội nhập phải được coi là nhiệm vụ chiến lược của cả nước, sau khi nhiệm vụ giải phóng, thống nhất đất nước đã được hoàn thành trong vẻ vang được cả thế giới biết đến.

Có thể thấy, đàm phán gia nhập TPP trong giai đoạn này càng trở nên hết sức quan trọng. Đất nước đã trải qua hơn một phần tư thế kỷ đổi mới, được công nhận là quốc gia thoát nghèo; và nước ta vẫn đang trong tiến trình vận động để ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới công nhận là nước có nền kinh tế thị trường. Thế nhưng, đứng trước cơ hội TPP, tại thời điểm này, lại thấy quá nhiều lo ngại.

Trước hết, nói về mục tiêu của TPP: Mục tiêu ban đầu của Hiệp định TPP là giảm 90% các loại thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên trước ngày 1/1/2006 và cắt giảm bằng không vào năm 2015.

Đây là một thỏa thuận toàn diện bao quát tất cả các khía cạnh chính của một hiệp định thương mại tự do, giữa các nước nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một khu vực được đánh giá là năng động nhất thế giới hiện nay.

Đây là một hiệp định được đánh giá là bao quát nhất, có tầm ảnh hưởng lớn nhất và có khả năng tạo ra bước ngoặt quan trọng nhất cho kinh tế thế giới, bao gồm trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ hàng hóa, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, các chính sách của chính quyền, bao hàm cả mua sắm - chi tiêu của Chính phủ lẫn chống tham nhũng và chống tội phạm kinh tế toàn cầu…

Nước ta may mắn nằm trong vùng kinh tế chiến lược này với vị trí địa chính trị ngày càng trở nên quan trọng. Đây là may mắn không thể bỏ lỡ. Thế nhưng, còn quá nhiều thách thức phía trước: Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao; năng lực cạnh tranh của hàng hóa ở cả ba cấp độ: quốc gia, ngành hàng, doanh nghiệp còn kém.

Đặc biệt đáng lo ngại là khả năng hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam. Ngoại trừ một số ít doanh nghiệp lớn có sức cạnh tranh và khả năng hội nhập tốt, phần lớn nhân lực tại doanh nghiệp Việt Nam thiếu kinh nghiệm và kỹ năng, thậm chí nhiều quản lý doanh nghiệp còn kém ngoại ngữ nên chưa đủ khả năng nhận biết và tránh các rào cản bất lợi về thương mại mà hầu hết các hiệp định thương mại đều đồng thời tạo ra.

Cũng chính vì thế, họ rất lúng túng trong việc tìm biện pháp xử lý, tháo gỡ hoặc vượt qua; trong khi đó, sự hỗ trợ của các cơ quan bộ ngành, đặc biệt khi có sự cố, ách tắc xảy ra ở nước ngoài - còn rất hạn chế. Đối với thị trường trong nước, thách thức đặc biệt đáng lo khi việc mở cửa thị trường trong nước chưa được tiến hành song song với việc thiết lập hàng rào kỹ thuật hiệu quả để ngăn chặn những bất lợi, rủi ro từ bên ngoài. Vì thế, không ít trường hợp ta “thua trên sân nhà”, thậm chí còn bị chơi “ép”, chịu thiệt thòi….

Trước thực tế đó, những sức ép lớn đang đặt ra cho chúng ta: Yêu cầu cải cách thể chế thương mại theo hướng tự do hóa thương mại và đầu tư, đòi hỏi khắc phục tình trạng thiếu tính hệ thống, thiếu minh bạch và thiếu ổn định của hệ thống chính sách kinh tế chưa được đáp ứng.

Đội ngũ cán bộ quản lý vĩ mô, quản trị sản xuất, kinh doanh và thực hành trong nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương còn bất cập, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động thủ công chất lượng thấp… là những hạn chế lớn vẫn chưa được khắc phục trong thời gian dài do hệ thống giáo dục chưa được cải thiện, đã chồng chất thêm những khó khăn nữa cho nước ta khi đẩy nhanh hội nhập.

Đặc biệt, sau hơn 25 năm đổi mới, 6 năm gia nhập WTO, nhưng nước ta vẫn chưa thiết lập được hệ thống cảnh báo sớm về các rào cản pháp lý, rào cản kỹ thuật thương mại, chưa có khả năng tăng năng lực giải tỏa các rào cản; chưa xây dựng được hàng rào kỹ thuật để quản lý nhập khẩu chặt chẽ, tính dự báo kinh tế, thương mại thấp, là những hạn chế lớn gây thiệt thòi cho đất nước khi tăng cường hội nhập.

Bởi thế, suy ngẫm và nhìn nhận để thấy những được - mất trong tiến trình tăng cường hội nhập, để tìm cách tăng “được”, giảm “mất” là việc vô cùng quan trọng./.

Thu Liên/Báo VOV

Nguồn vov.vn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới