Hủy
Tài Chính

Tìm thêm “bản vị” cho vàng

Hoàng Hà Thứ Hai | 13/06/2022 08:00

Tại Việt Nam, kinh doanh vàng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, nằm trong danh mục quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Quý Hòa

Sau thời gian dài được bình ổn, thị trường vàng đang trở nên “không bình thường”.
 

Giá vàng đã trở thành chủ đề tại các phiên họp Quốc hội tuần qua. Tại đó, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi về diễn biến “không bình thường” của thị trường kinh doanh vàng miếng trong nước. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, thị trường này có rất nhiều điểm bất ổn khi có sự chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới, có lúc lên đến trên 20 triệu đồng/lượng.

“Sự không bình thường này gây tâm lý lo lắng, làm giảm niềm tin vào giá trị của đồng tiền Việt Nam và góp phần gia tăng lạm phát. Liệu có sự bắt tay, thao túng về giá vàng miếng SJC trên thị trường hiện nay hay không?”, một đại biểu Quốc hội thẳng thắn đặt câu hỏi.

 

Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra lời giải thích. Thứ nhất, thực hiện chủ trương chống vàng hóa trong nền kinh tế, từ năm 2012 triển khai Nghị định số 24 và đặc biệt là từ năm 2014 trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng để sản xuất vàng miếng, như vậy nguồn cung vàng miếng trong nước đã giảm đi, vì có thể có một phần vàng đó được chuyển sang sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Thứ 2, trước biến động của giá vàng thế giới, các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng vì ngại rủi ro nên thường niêm yết giá rất cao. 

Tại Việt Nam, kinh doanh vàng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, nằm trong danh mục quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẵn sàng điều tiết giá vàng nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, do người dân không có nhu cầu mua vàng miếng quá nhiều nên Ngân hàng Nhà nước chưa can thiệp, chỉ trong trường hợp cần thiết mới tiến hành nhập khẩu vàng.

Nhưng nhu cầu vàng tăng cao là có thật, đòi hỏi cách quản lý theo sát diễn biến thị trường. Ngoài nỗi lo ngại cuộc chiến Nga - Ukraine leo thang với các đòn trừng phạt và trả đũa lẫn nhau trên khắp các mặt trận kinh tế, ngoại giao và chính trị, xu hướng lạm phát tăng vọt trên toàn cầu cũng đang thúc đẩy dòng tiền đổ vào vàng như một tài sản trú ẩn an toàn. Giá vàng SJC tại Việt Nam vì thế lần đầu tiên xuyên qua mốc 71,1 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Việt Nam vì thế lần đầu tiên xuyên qua mốc 71,1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Việt Nam vì thế lần đầu tiên xuyên qua mốc 71,1 triệu đồng/lượng. Ảnh: Quý Hòa. 

Không thể phủ nhận nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành thị trường vàng, quản lý các hoạt động kinh doanh vàng thời gian qua. Từ khi có Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, nạn thao túng từng tạo ra các “cơn sốt” vàng trong những năm 2008-2009, gây bất ổn vĩ mô đã được chặn đứng. Tình trạng “vàng hóa” đã giảm hẳn và vàng không còn là phương tiện trung gian thanh toán trong nền kinh tế. Vì thế, giá vàng lên xuống cũng không làm ảnh hưởng chung đến giá cả hàng hóa, không ảnh hưởng đến tỉ giá ngoại tệ.

Mặc dù vậy, những năm qua luôn có hiện tượng giá vàng trong nước tăng cao hơn thế giới, nguyên nhân chính là do nguồn cung vàng hạn chế. Để giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, chỉ có cách bổ sung nguồn cung, hay nói cách khác là nhập thêm vàng. Tuy nhiên, nhập khẩu vàng sử dụng dự trữ ngoại hối của quốc gia sẽ gây ra bài toán khó trong quản lý tỉ giá.

 

Ngoài vấn đề vĩ mô, cũng có câu hỏi về việc độc quyền một thương hiệu vàng quốc gia có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá vàng miếng SJC tăng cao như hiện nay? Thực tế, thị phần của vàng SJC đã bị thu hẹp đáng kể. Nguồn vàng phần lớn đang nằm ở các ngân hàng thương mại và các công ty kinh doanh vàng bạc đá quý... Vì vậy, nếu chỉ để vàng miếng SJC trở thành “bản vị” cho cả thị trường vàng thì không hợp lý, thậm chí có thể gây ra tình trạng trục lợi, các doanh nghiệp giữ giá vàng ở mức cao, đẩy rủi ro sang người mua. 

Chưa kể, giá vàng trong nước cao như hiện nay sẽ kích thích vàng nhập lậu quay trở lại. Giá vàng tăng cũng thu hút giới đầu cơ lướt sóng kiếm lời. Theo đó, một lượng tiền lớn sẽ chuyển vào kinh doanh vàng, giảm nguồn vốn để đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Giá vàng trong nước chênh lệch quá cao so với giá vàng thế giới cũng gây áp lực lên tỉ giá khi USD được tung ra để nhập lậu vàng...

Để chống đầu cơ giá vàng, cho nhập vàng nhỏ giọt theo hạn ngạch là chưa đủ. Về lâu dài, cần có giải pháp căn cơ là đưa giá vàng trong nước ngang bằng với giá vàng thế giới. Hiệp hội Kinh doanh Vàng mới đây cũng đề xuất bỏ quy định Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền, mà nên cấp phép cho một số công ty đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng. Qua đó, tạo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng của vàng miếng trên thị trường và đảm bảo quyền lợi của người mua vàng.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới