Hủy
Tài Chính

TPBank thêm trợ lực từ tăng vốn

Vũ Hoài Thứ Sáu | 20/08/2021 08:00

Ảnh: tinhte.vn

Cổ phiếu ngân hàng sau thời kỳ tăng nóng đã bước vào giai đoạn chọn lọc hơn.
 

Nhóm cổ phiếu ngân hàng luôn đóng vai trò rất quan trọng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, khi nhóm này chiếm tới 1/3 vốn hóa trên toàn thị trường. 6 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ với gần 28% đối với chỉ số VN-Index. Đóng góp vào đà tăng của thị trường chứng khoán không thể thiếu nhóm cổ phiếu ngân hàng. Phần lớn các cổ phiếu thuộc nhóm này đã tăng giá mạnh, bình quân hơn 33%.

Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 6/2021, đà tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã bắt đầu chững lại khi nhà đầu tư cho rằng kết quả kinh doanh quý II/2021 của các ngân hàng đã đạt đỉnh và đã được phản ánh vào thị giá. Với đà tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2021, việc lựa chọn cổ phiếu ngân hàng cũng trở nên chọn lọc hơn khi rủi ro nợ xấu ngày càng bộc lộ rõ. Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán VNDirect, lợi nhuận quý II/2021 của ngành ngân hàng đạt mức tăng trưởng 34,1% so với cùng kỳ năm 2020, giảm tốc so với đà tăng 79% của quý I/2021. Lý do là các ngân hàng lớn (Vietcombank, VietinBank) bất ngờ công bố lợi nhuận sụt giảm vì chi phí dự phòng.

Ảnh: Ngọc Thắng/thanhnien.vn
Ảnh: Ngọc Thắng/thanhnien.vn

Mặc dù vậy, với những triển vọng tích cực của thị trường chứng khoán trong tương lai thì không thể thiếu lực đẩy từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Theo chia sẻ của bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI (SSI Research), nhóm ngành ngân hàng sẽ có sự phân hóa trong nửa cuối năm và nhà đầu tư có thể tìm kiếm những cổ phiếu có khả năng duy trì mức tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm nay và có khả năng tăng vốn để làm động lực cho tăng trưởng trong dài hạn.

Ngân hàng TPBank cũng đang được nhà đầu tư chú ý với câu chuyện tăng vốn. Lũy kế 6 tháng đầu năm, mức tăng trưởng về tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế của TPBank lần lượt đạt 27,7% và 47,8%. Kết quả này có được nhờ sự tăng trưởng mạnh của cả thu nhập từ lãi và thu nhập ngoài lãi. 

 

Tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm của TPBank được thúc đẩy nhờ phân khúc khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Mảng SME giải ngân cho nhiều lĩnh vực bao gồm năng lượng tái tạo, sắt thép, nhựa, hạt điều và đặc biệt là vận tải biển - ngành có tăng trưởng đầu tư mạnh nhờ giá bán tăng gần đây. Mảng cho vay khách hàng cá nhân và SME là 2 mảng có tín dụng lớn nhất với 51,2% và 32,3% tổng dư nợ cho vay, so với chỉ 16,5% đối với khách hàng doanh nghiệp lớn.

Mạng lưới LiveBank đã giúp TPBank mở rộng cơ sở khách hàng và tiền gửi chi phí thấp. TPBank hiện có 3,84 triệu khách hàng cá nhân và 55.022 khách hàng doanh nghiệp với phần lớn khách hàng mới mở tài khoản trực tuyến thông qua hệ thống 336 LiveBank và ứng dụng eBank. Số lượng khách hàng cá nhân đăng ký mới dịch vụ eBank trong 6 tháng đầu năm 2021 đã vượt con số cả năm 2020 là 12,8%.

SSI Research đánh giá mạng lưới LiveBank giúp TPBank trở nên khác biệt so với các ngân hàng khác do cung cấp dịch vụ ngân hàng 24/7 cho khách hàng với nhiều tiện lợi. Do đó, giá trị giao dịch khách hàng cá nhân thông qua eBank tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2021.

 

Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, mục tiêu tỉ lệ tăng trưởng tín dụng sẽ không quá cao, mà sẽ phải làm sao để giảm giá thành, giảm chi phí và cũng xác định trước trường hợp lãi suất cho vay tiếp tục hạ thấp.

Trên thực tế, số hóa đã giúp TPBank giảm khá nhiều chi phí hoạt động. Tỉ lệ chi phí/thu nhập (CIR) trong 6 tháng đầu năm 2021 của TPBank đạt 35,7%, giảm mạnh từ mức 46,4% trong 6 tháng đầu năm 2020. Trong khi đó, SSI Research lưu ý chi phí khấu hao tăng 31,1% trong nửa đầu năm 2021 do đầu tư lớn vào số hóa. Riêng ngân sách cho đầu tư số hóa năm 2020 đạt 600 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, thu nhập ngoài lãi của TPBank cũng rất đa dạng khi được đóng góp bởi nhiều yếu tố, bao gồm doanh thu phí đến từ dịch vụ thanh toán; hoa hồng từ bancassurance và dịch vụ khác, bao gồm phí trả nợ trước hạn... Theo SSI Research, bancassurance tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho thu nhập phí, với doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 444 tỉ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 50% kế hoạch năm.

Nếu nhìn ở một bức tranh dài hơn, có thể thấy TPBank là ngân hàng luôn đạt tăng trưởng kinh doanh trong nhiều năm qua nhờ tăng trưởng tín dụng cao, NIM cải thiện, CIR giảm nhờ triển khai số hóa rộng rãi.

Năm 2021 TPBank đặt mục tiêu lãi trước thuế 5.500 tỉ đồng, tương ứng tăng trưởng 25,3% so với năm 2020. SSI Research đánh giá kế hoạch năm 2021 của TPBank khá tham vọng nhưng khả thi và được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 trong bối cảnh môi trường lãi suất thấp kéo dài. “Việc tăng vốn (tương đương 9,3% vốn điều lệ trước phát hành) có thể pha loãng cổ phiếu nhưng chắc chắn là yếu tố hỗ trợ cho triển vọng tăng trưởng của Ngân hàng”, SSI Research nhận định.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới