Hủy
Thế giới

Bài học Việt Nam cho nhà đầu tư vào Myanmar

Thứ Tư | 05/06/2013 13:12

Những bài học lịch sử ở Việt Nam cho thấy, quá vội vã đổ tiền vào thị trường Myanmar có thể mang lại những hậu quả khôn lường cho nhà đầu tư.
 

Cũng giống như món canh cá nấu với mỳ gạo, gừng, sả tên gọi Mohinga - loại canh được coi là món "quốc thực" đại diện cho văn hóa ẩm thực Myanmar - Myanmar hiện nay cũng được coi là một trong những "món ăn" đầy hấp dẫn với các nhà đầu tư thế giới. Tuy nhiên, cũng như mọi món ăn, các nhà đầu tư vào Myanamar có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro nếu ngấu nghiến quá nhiều và quá nhanh "món ăn" này.

Không thể phủ nhận Myanmar có rất nhiều tiềm năng kinh tế. Chẳng hạn, dân số Myanmar hiện nay khoảng 60 triệu dân và đa phần trong số đó chưa từng có cơ hội được sử dụng điện thoại di động. Bên cạnh đó, Myanmar cũng có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi khi nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc - 2 thị trường tiêu dùng có quy mô lớn nhất thế giới - đồng thời rất dồi dào tài nguyên.

Mới đây, chính phủ Myanmar còn ban hành một loạt luật mới, bao gồm cả luật cho phép các công ty có 100% vốn nước ngoài tham gia vào một số lĩnh vực kinh tế đất nước, cho thấy các chính trị gia nước này đang sẵn sàng mở cửa với đầu tư nước ngoài hơn bao giờ hết.

Một lợi thế khác của Myanmar đó là nền kinh tế của nước này đang trong giai đoạn vô cùng sơ khai và đang chờ đợi được các nhà đầu tư khai phá. Điều này thể hiện rõ nét qua việc ở Myanmar hầu như không có mạng lưới máy rút tiền tự động (ATM) cũng như có rất ít chi nhánh ngân hàng thương mại.

Đứng trước những cơ hội đó, các nhà đầu tư nước ngoài vội vã tranh nhau đổ xô vào vào Myanmar. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Myanmar không ngừng tăng, trong khi các giám đốc điều hành từ các tập đoàn toàn cầu khổng lồ trong nhiều lĩnh vực, từ tài chính, hàng tiêu dùng, kế toán và xây dựng đang tìm cách len lỏi để có được một chỗ đứng trong nền kinh tế bé nhỏ của Myanmar. Kết quả, giá bất động sản ở trung tâm kinh tế chính của Myanmar, thành phố Yangon, giờ đắt ngang ngửa với Bangkok và còn có thể còn cao hơn nữa.

Tuy nhiên, Wall Street Journal cho rằng các nhà đầu tư tại Myanmar nên đặc biệt chú ý đến những bài học kinh tế trong quá khứ của Việt Nam. Việt Nam có xuất phát điểm tương đối giống Myanmar và mở cửa với thế giới cách đây 2 thập kỷ.

Theo giám đốc điều hành Don Lam của VinaCapital - một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất tại Việt Nam, tỷ lệ thất bại của các nhà đầu tư vội vã đặt chân trước tiên vào thị trường này lên tới 90%.

Ông Lam cho rằng có quá nhiều vốn FDI đổ vào Việt Nam, song lại có quá ít đối tác tiềm năng có thể tận dụng số vốn đó. Chưa kể, Việt Nam còn tập trung quá nhiều vào tác động của tăng thu nhập đối với doanh số bán hàng tiêu dùng. Kết quả là, quá nhiều khoản đầu tư bị đổ vào các dự án rủi ro, trong khi nhiều công ty sản phẩm tiêu dùng mang phong cách phương Tây phải nếm mùi thất bại do cơ sở khách hàng chưa đủ mạnh.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh trong giai đoạn 1988-1995, song bắt đầu chậm lại đáng kể sau đó. Một phần do chí phí cao và cơ sở hạ tầng nghèo nàn. Và trong khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối thập niên 1990 khiến các nhà đầu tư nước ngoài ít nhiều giảm sự quan tâm tới khu vực này, đầu tư nước ngoài ở Việt Nam phục hồi chậm hơn nhiều so với các nước láng giềng, IMF cho biết.

Tiềm năng của Myanmar có thể giúp thu hút khoảng 170 tỷ USD FDI từ nay đến năm 2030, McKinsey ước tính. Sự thèm khát thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ giúp chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế Myanmar, song với những ai quá vội vã đổ tiền vào Myanmar, họ có thể cũng sẽ là những người đầu tiên phải nhận "quả đắng" từ "món ngon" Myanmar.

Nguồn WSJ/Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới