Hủy
Kinh Doanh

Hạ dự trữ bắt buộc: Nhất tiễn song điêu!

Thứ Hai | 21/12/2015 12:30

Với Thông tư 23, một phần trong số tiền gửi dự trữ bắt buộc khoảng 120.000 tỉ đồng của toàn hệ thống có thể được đưa vào lưu thông.
 

Giữa tháng 12, tiến sĩ kinh tế học Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đã bày tỏ sự đánh giá cao đối với kết quả ổn định vĩ mô mà nền kinh tế Việt Nam đạt được trong năm 2015. Nhận định lạc quan của bà Kwakwa diễn ra trong bối cảnh đầu tháng 12, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 23 về việc giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng đối với một số ngân hàng.

Động thái điều tiết hành chính của Ngân hàng Nhà nước được cho là linh hoạt khi tỉ lệ dự trữ được áp dụng dựa trên “thể trạng” của từng ngân hàng thay vì áp dụng đồng loạt như trước kia. Số tiền gửi dự trữ bắt buộc của toàn hệ thống ngân hàng hiện vào khoảng 120.000 tỉ đồng. Nay nhờ Thông tư 23, một phần số tiền này có thể được đưa vào lưu thông.

Không chỉ Việt Nam, Thái Lan và Myanmar cũng nằm trong nhóm khoảng 30 quốc gia trên thế giới đang thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới Trung Quốc cũng đang đối mặt với tình trạng bị rút vốn FDI và đà tăng trưởng chậm lại đe dọa hoạt động tạo mới việc làm, vốn cần thiết để duy trì tốc độ đô thị hóa.

Hãy quay trở lại với Việt Nam. Trong vòng 6 năm qua kể từ Quyết định 379, tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với tổng nguồn vốn huy động bằng tiền đồng không kỳ hạn của hệ thống các tổ chức tín dụng được giữ ổn định (3% đối với VND kỳ hạn dưới 12 tháng và 1% đối với kỳ hạn trên 1 năm). Song hành với quá trình tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng suốt 4 năm qua thì tỉ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng cho ngoại tệ cũng không thay đổi kể từ Quyết định 1925 (8% với ngoại tệ dưới 12 tháng và 6% với ngoại tệ trên 1 năm).

Ha du tru bat buoc: Nhat tien song dieu!
Diễn biến tỉ lệ dự trữ bắt buộc trong 8 năm

Ngay từ đầu quý IV, khi các chỉ số vĩ mô phát đi những tín hiệu tích cực, từ tăng trưởng GDP 6,5% cho đến chỉ số lạm phát lõi chỉ biến động quanh mức 2% thì chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, đã nhận thấy chu kỳ kinh tế Việt Nam rõ nét hơn với xu hướng ưu tiên điều hành chính sách ổn định vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hướng tới mục tiêu đạt mức tăng trưởng GDP 6,8% cho năm 2016.

Những kết quả kinh tế trong năm vừa qua là thành quả của việc điều hành linh hoạt và mềm dẻo của Ngân hàng Nhà nước khi sử dụng các công cụ lãi suất, thị trường mở, chính sách chiết khấu, hạn mức tín dụng, dự trữ bắt buộc.

Nhìn chung, thị trường đánh giá cao động thái hạ dữ trữ bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước, một nước cờ “nhất tiễn song điêu” trong ngắn hạn góp phần điều hòa lãi suất tín dụng vào dịp cao điểm cuối năm và quan trọng hơn là ưu tiên đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Theo đại diện của Ngân hàng ANZ, với tổng vốn huy động của toàn hệ thống tín dụng ước đạt 4 triệu tỉ đồng tập trung ở kỳ hạn dưới 1 năm thì việc giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc rõ ràng sẽ tác động đến vốn huy động dưới 12 tháng.

Việc đích thân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ phê duyệt mức áp dụng tỉ lệ dữ trữ bắt buộc đối với từng tổ chức tín dụng đang trong giai đoạn tái cơ cấu cho thấy lập trường quyết liệt của cơ quan quản lý trong việc mạnh tay “thanh lọc” hệ thống tín dụng. Động cơ của chính sách điều hành dự trữ lần này khác với giai đoạn năm 2011 ở tính thanh khoản hệ thống vẫn đang tốt  và lượng cung tiền M2 luôn dồi dào.

Điểm mặt những ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu có thể kể đến Đông Á, Sacombank, Eximbank và nhóm 3 ngân hàng 0 đồng gồm OceanBank, Ngân hàng Xây dựng, GPBank. Thông tư 23 quy định các tổ chức tín dụng thuộc diện kiểm soát đặc biệt có khả năng cao được giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc về tiệm cận 0%.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng kiến nghị sử dụng khái niệm “mức vốn điều lệ danh nghĩa đặc biệt” áp dụng cho nhóm các ngân hàng bị Nhà nước tiếp quản với giá 0 đồng vì các quy định pháp lý chưa có tiền lệ áp dụng cách tính chỉ số an toàn vốn CAR hoặc tỉ lệ dự trữ bắt buộc khi các ngân hàng yếu kém đã hoạt động âm hết vốn chủ sở hữu.

Rõ ràng, động thái giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc về 0% đối với ngân hàng 0 đồng là một giải pháp tình thế tốt, giúp giảm gánh nặng về tiền dự trữ và tập trung vào khối nợ xấu hiện hữu. Lỗ lũy kế cộng gộp của 3 ngân hàng 0 đồng nói trên tính đến hiện tại ước tính lớn gấp 2 lần vốn chủ sở hữu danh nghĩa, đạt ngưỡng 20.000 tỉ đồng.

Những tác động tích cực trong ngắn hạn của việc hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với hệ thống ngân hàng là khá rõ ràng. Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất lại nằm ở chính sách nới lỏng tiền tệ liệu có phải quá sớm, nhất là khi tín dụng đang tăng mạnh, kéo theo nỗi lo về bong bóng bất động sản quay trở lại. Trong năm 2015, tỉ lệ tăng trưởng tín dụng thực dương toàn hệ thống đạt 17% trong bối cảnh lạm phát chạm vùng đáy thấp nhất trong vòng 5 năm qua, trong đó 13% lượng tín dụng được đổ vào thị trường bất động sản. Những ngày cuối năm, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, tín dụng chảy vào bất động sản có thể đạt đỉnh 20%.

Ông Hiếu khuyến nghị các tổ chức tín dụng nên để tâm đặc biệt đến tính chu kỳ trong thị trường bất động sản vì nó được coi là vùng cát lún nếu các ngân hàng tập trung dòng chảy nguồn vốn quá nhiều. Một bài học ít ai quên được là quá trình tái cơ cấu nợ xuất kéo dài 4 năm qua cũng xuất phát từ hậu quả của tín dụng nới lỏng giai đoạn 2010 đã bào mòn 46% tổng lợi nhuận tính đến giữa năm nay của 12 ngân hàng thương mại cổ phần vì chi phí dự phòng lớn.

Nguyệt Nguyễn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới