Hủy
Kinh Doanh

Sếp Vinacapital: “Chẳng còn mấy ai quan tâm tới vàng nữa”

Thứ Sáu | 17/10/2014 09:39

Do giá vàng đang xuống rất nhanh và bấp bênh, thì giờ chẳng còn mấy người quan tâm với vàng nữa…
 

Giám đốc điều hành của Tập đoàn Vinacapital, ông Andy Ho chia sẻ quan điểm về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam tại Hội nghị các nhà đầu tư Vinacapital 2014.

Nguyên nhân khiến dòng tiền đang “chạy” khỏi vàng, theo ông Andy Ho là do giá vàng đang xuống rất nhanh và bấp bênh. Thêm vào đó, pháp luật Việt Nam cũng hạn chế các loại hình giao dịch phái sinh từ vàng.

“Chừng nào đồng đô la còn mạnh, thì giá vàng còn giảm và xu hướng này chắc chắn sẽ còn tái diễn khi hiện tại đồng đô la vẫn đang mạnh hơn khá nhiều so với đồng Euro hay Yên của Nhật”- ông Andy Ho nói.

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng vẫn "đủng đỉnh" dưới ngưỡng 36 triệu đồng/lượng. Mãi lực mua - bán chủ yếu của các nhà kinh doanh nhỏ, lẻ. Còn với những nhà đầu tư lớn, kim loại quý này hiện đã mất đi sự hấp dẫn.

Vàng giảm mãi lực, dòng tiền nhà rỗi của các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng sang thị trường nào? Trả lời câu hỏi này, vị Giám đốc điều hành của Vinacapital không ngần ngại cho rằng đó sẽ là thị trường chứng khoán và bất động sản.

Theo ông, ở Việt Nam đầu tư vào chứng khoán giống như “đầu tư vào căn nhà để cho thuê”, chi phí bỏ ra thấp nhưng thu lời lại cao.

Có nhiều yếu tố khiến dòng tiền đang chảy mạnh vào chứng khoán. Trước tiên, lạm phát tiếp tục giảm, dòng tiền nhàn rỗi đã không còn đi vào vàng, cũng không đi vào kênh gửi tiết kiệm ngân hàng (do lãi suất đang xuống quá nhanh), mà quay trở lại với kênh đầu tư có khả năng sinh lời cao như chứng khoán, bất động sản.

Qua một năm sóng gió, thị trường chứng khoán đã bắt đầu hồi phục mạnh mẽ và đã có những “cơn sóng” trở lại. Xu hướng này có thể nhận thấy một cách dễ dàng khi VN-Index tăng 22% trong năm 2013 và 26% từ đầu năm 2014 đến nay. Cùng với đó, hệ số giá trên thu nhập (P/E – một trong những chỉ số phân tích quan trọng trong quyết định đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư) dự báo có thể tăng 16 lần trong năm 2014.

Đơn cử, chỉ riêng các quỹ của Vinacapital đang hoạt động, như quỹ hạ tầng VNI có mức tăng trưởng ấn tượng - 46% từ đầu năm; quỹ chứng khoán VOF cũng tăng trưởng khoảng 26% từ đầu năm đến nay.

Xét về độ cạnh tranh giữa thị trường chứng khoán Việt Nam và các nước láng giềng thì, chứng khoán Việt Nam đang rẻ hơn các thị trường châu Á khoảng 25-30% dựa trên định giá P/E.

Một yếu tố khác khiến tiền đang đổ nhiều vào chứng khoán, là dự báo chỉ số Vn-Index đang liên tục thay đổi từ cuối 2013 đến nay. Nếu cuối năm 2013, các nhà phân tích tính toán VN-Index chỉ cán mốc 580 – 600 điểm trong năm 2014, thì nay họ đã nâng mức dự báo của chỉ số này. VN-Index cán đích 620 – 650 điểm hoàn toàn có thể nằm trong tầm tay.

“Chứng khoán đang cho thấy sức hấp dẫn của mình so với các kênh đầu tư khác. Dòng tiền sẽ tiếp tục “đổ” vào “vùng trũng” này”- ông Andy Ho dự báo.

Khi thị trường chứng khoán hồi phục sẽ kéo theo sự hồi sinh của thị trường bất động sản. Xu hướng tiền đồng tiếp tục duy trì được mức ổn định cần thiết, cả năm 2014 chỉ tăng 1-2% so với đồng đô la, nên với những khoản đầu tư cách đây 12 tháng giờ nhà đầu tư có thể bán thu lời và chuyển sang kênh đầu tư khác. Vàng không còn mãi lực hấp dẫn, nên bất động sản sẽ là lựa chọn tốt của nhà đầu tư.

“Trong tương lai, môi trường đầu tư tốt, nhà đầu tư sẽ đổ vốn sang chứng khoán và bất động sản. Hai kênh này sẽ tiếp tục tạo ra mức sinh lời tương đối hấp dẫn trong xu hướng thị trường hiện nay” – Giám đốc điều hành Vinacapital nói về triển vọng dòng tiền những tháng cuối năm 2014 và đầu năm 2015.

Nguồn Infonet


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới