Hủy
Kinh Doanh

VAMC chỉ được sử dụng vốn để đầu tư ra ngoài dưới 2 hình thức

Thứ Tư | 01/01/2014 21:16

Là gửi tiền tại các ngân hàng thương mại nhà nước; Tham gia góp vốn, mua cổ phần.
 

Theo quy định do Bộ Tài chính vừa ban hành, VAMC chỉ được sử dụng vốn để đầu tư ra ngoài (không thông qua việc mua bán nợ và tài sản) dưới các hình thức: Gửi tiền tại các ngân hàng thương mại nhà nước; Tham gia góp vốn, mua cổ phần theo quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 12 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP.

Đó là nội dung tại Thông tư số 209/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ tài chính đối với Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) do Bộ Tài chính vừa ký ban hành.

Theo đó, vốn đầu tư của chủ sở hữu gồm: Vốn điều lệ 500 tỷ đồng; Quỹ đầu tư phát triển được trích theo chế độ quy định; và các nguồn vốn chủ sở hữu khác theo quy định của pháp luật đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Thông tư nêu rõ: VAMC có trách nhiệm quản lý, sử dụng, theo dõi toàn bộ tài sản và vốn hiện có, thực hiện hạch toán theo đúng chế độ kế toán hiện hành; phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình sử dụng, biến động của vốn và tài sản trong quá trình kinh doanh; xác định trách nhiệm và hình thức xử lý đối với từng bộ phận, cá nhân trong trường hợp làm hư hỏng, mất mát tài sản, tiền vốn của VAMC.

Về trích lập và sử dụng dự phòng, đối với các khoản nợ xấu được mua theo giá trị thị trường, VAMC thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đối với các khoản bảo lãnh quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định 53/2013/NĐ-CP, các khoản đầu tư, cung cấp tài chính cho khách hàng vay dưới hình thức bảo lãnh, cho vay, VAMC thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng. Đối với khoản cung cấp tài chính khác, VAMC thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng như đối với khoản đầu tư tài chính.

Thông tư cũng có quy định điều khoản xử lý trường hợp đặc biệt. Trường hợp kết thúc năm tài chính, VAMC bị lỗ và trong năm tài chính đó có trái phiếu đặc biệt đến hạn mà tổng các khoản phí trên số tiền thu hồi nợ VAMC được hưởng trong năm nhỏ hơn các khoản đã nhận tạm ứng từ các tổ chức tín dụng phải hoàn trả trong năm thì VAMC báo cáo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xử lý phần còn phải hoàn trả tạm ứng đã nhận từ các tổ chức tín dụng theo hướng VAMC được ghi nhận doanh thu và các tổ chức tín dụng ghi nhận vào chi phí.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-2-2014 và được áp dụng từ năm tài chính 2013.

Lợi nhuận được tính sau khi bù đắp các khoản lỗ

Lợi nhuận của VAMC sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật được phân phối như sau: Bù đắp khoản lỗ của các năm trước; Lợi nhuận còn lại sau khi bù đắp lỗ theo quy định tại điểm 2.1 khoản này (nếu có) coi như 100% và được phân phối như sau: Trích 30% vào quỹ đầu tư phát triển; Trích quỹ thưởng Viên chức quản lý VAMC và quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi. Việc trích quỹ thưởng Viên chức quản lý VAMC và quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi của VAMC được thực hiện quy định của pháp luật về trích quỹ thưởng Viên chức quản lý và quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Lợi nhuận còn lại (nếu có) sau khi trích lập theo quy định được nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.


T.Th

Hải Quan

Nguồn Hải quan


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới