Hủy
Kinh Doanh

Các chuyên gia và ngân hàng lên tiếng về hoãn phân loại nợ xấu

Thứ Sáu | 10/05/2013 13:53

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, với tình hình nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn hiện nay, thời gian áp dụng thông tư 02 khả thi là vào cuối năm 2013.
 

Còn gần 1 tháng nữa, Thông tư 02/2013/TT-NHNN (TT 02) quy định về phân loại tài sản, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều ý kiến cho rằng, với tình hình kinh tế vẫn chưa được cải thiện, doanh nghiệp (DN) còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn thì việc triển khai Thông tư nếu diễn ra đúng thời hạn e rằng tính khả thi sẽ không cao.

Nhìn chung đa số ý kiến đồng tình tạm hoãn việc áp dụng Thông tư này. Dưới đây một số ý kiến của các chuyên gia kinh tế và người trong cuộc là các NHTM cùng chia sẻ quan điểm.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TS. Cao Sỹ Kiêm:
Thời gian áp dụng khả thi sẽ là cuối năm 2013

Tôi hoàn toàn ủng hộ những quy định mới về phân loại trích lập dự phòng rủi ro tại TT 02. Đây là điều kiện động lực trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam theo hướng an toàn bền vững, để rút ngắn khoảng cách khu vực và thế giới.

Song hiện nay, nền kinh tế đang suy giảm, DN tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nợ xấu, nợ quá hạn ngày càng nhiều do sản xuất đình trệ, hàng tồn kho cao, điều kiện để vay vốn không đủ… Như vậy, nếu áp dụng chỉ tiêu mới tại TT 02 thì cơ hội tiếp cận vốn đối với các DN càng giảm mạnh, còn đối với hệ thống ngân hàng thì sẽ làm cho nợ xấu tăng nhanh.

Do đó, có thể tạm thời chưa áp dụng ngay TT 02 để một mặt giúp các ngân hàng có thêm thời gian tự chỉnh sửa, bắt nhịp dần với điều kiện mới. Mặt khác tạo thêm cơ hội vay vốn cho DN, giảm nợ xấu… Có thể nguyện vọng của DN và người vay vốn là TT 02 càng kéo dài càng tốt, nhưng theo tôi cũng chỉ nên kéo dài đến hết năm 2013.
Phó Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng:Để có thêm thời gian tự điều chỉnh

Các chuẩn mực tiêu chí tại TT 02 là phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên thời gian tới, nếu áp dụng theo TT này thì với hầu hết các ngân hàng, nợ xấu sẽ tăng lên, theo đó trích dự phòng cũng sẽ tăng lên. Và khó khăn tác động đến đầu tiên sẽ là đối tượng DN.

Thực tế qua trao đổi, nhiều DN rất lo lắng nếu bị chuyển sang nợ xấu sẽ bị các ngân hàng chấm dứt quan hệ tín dụng trong khi họ đang cần vốn hơn lúc nào để khôi phục sản xuất kinh doanh. Theo tôi, việc hoãn lại là một bước chuẩn bị để làm sao cả ngân hàng và DN có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Việc thực hiện TT 02 vào năm 2014 là tốt nhất.
Phó Chủ tịch LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng:

Nếu áp dụng sẽ khó hạ lãi suất

Mục tiêu của TT 02 là giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam tiến sát hơn và nhanh hơn với chuẩn mực quốc tế. Đây là mục tiêu hoàn toàn đúng nhưng chưa "trúng" trong thời điểm này. Tôi cho rằng, nếu không gia hạn TT 02 thì không chỉ DN mà nhiều nông dân cũng gặp khó khăn. Thêm nữa, các ngân hàng đang cố gắng hạ lãi suất cho vay, để kéo ngân hàng và khách hàng đến gần nhau hơn.

Nếu thực hiện TT 02 thì chi phí các NHTM tăng lên rất nhanh và rất có thể ngân hàng sẽ xem xét lại việc có nên tiếp tục hạ lãi suất cho vay hay không trong khi chúng ta đang cố gắng hạ lãi suất kích cầu và cầu sẽ dừng lại. Nếu chúng ta cứ đi theo mục tiêu chuẩn đúng nhưng chưa trúng trong điều kiện hiện nay đôi khi lợi bất cập hại.

Ngoài ra, đề nghị NHNN xem xét lại TT 02 trong việc xét nhóm nợ. Cụ thể, trong nhóm 3, tiêu chí đưa ra là chỉ cần gia hạn lần đầu đã chuyển sang nợ xấu. Trong điều kiện hiện nay với "văn hóa thanh toán" của Việt Nam thì việc chậm trễ vài ba ngày là bình thường. Trong khi theo TT 02, nếu để quá hạn chỉ vài ba ngày đã bị chuyển sang nợ xấu, ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro tăng, còn DN sẽ giảm cơ hội vay vốn. Theo đó, khoảng cách giữa ngân hàng và DN sẽ ngày càng xa hơn.
Chuyên gia ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu:

Tạo cơ hội cho doanh nghiệp hồi phục

Đánh giá cao TT 02 nhưng đối diện từng ngày với DN và chúng tôi rất hiểu những khó khăn họ đang gặp phải. Và thời gian qua, các ngân hàng bằng tất cả khả năng của mình cùng với sự hỗ trợ của NHNN cũng đã tìm mọi cách để tháo gỡ khó khăn cho họ.

Tuy nhiên, với thể trạng DN như hiện nay, nếu áp dụng ngay TT 02 rất có thể sẽ khiến DN đó đáng nhẽ không chết cũng sẽ phải chết, còn ngân hàng thì vô hình trung cũng sẽ mất đi những khách hàng tốt là DN có tiềm năng, có khả năng phục hồi. Vì vậy, theo tôi nên hoãn lại TT 02 để không đẩy DN rơi vào tình cảnh khó khăn lại chồng chất khó khăn.
Phó tổng giám đốc BIDV Trần Lục Lang:
Đưa ra lộ trình áp dụng phù hợp

Nếu áp dụng ngay TT 02, các DN sẽ là người khó khăn nhất. Thứ nhất, do nhóm nợ sẽ bị thay đổi; thứ hai, định giá tài sản sẽ tốn thêm chi phí cho ngân hàng. Và một khi sức khỏe tài chính của DN đang giảm sút, lại phải tiếp cận với chỉ tiêu tài chính cao hơn thì DN sẽ càng rất khó để tiếp cận vốn. Vì vậy, trong khi chúng ta đang thực hiện Nghị quyết của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho DN thì nên chăng, có thể đưa ra lộ trình thực hiện mới cho TT 02.

Nguồn Thời báo ngân hàng


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới