Hủy
Thế giới

Châu Âu vẫn đang "oằn mình" với nhiều biến động

Mỹ Quyên Thứ Ba | 28/02/2023 07:38

Khu vực đồng euro có thể đã thoát khỏi suy thoái cho đến hiện tại nhưng triển vọng của khối vẫn không lạc quan.

Sau khủng hoảng năng lượng là tăng trưởng thấp và lạm phát dai dẳng.
 

Sau 3 năm đóng cửa vì đại dịch, bùng nổ số ca nhiễm hậu mở cửa, chiến tranh, chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn và lạm phát mới hình thành, các nhà hoạch định chính sách châu Âu cho rằng 2023 sẽ là năm lục địa già này trở lại trạng thái bình thường mới với mức tăng trưởng khá và lạm phát dưới 2%. Thực tế thì nền kinh tế châu Âu đang bình ổn trở lại. Nhưng thật không may, trạng thái bình thường mới có thể tệ hơn những gì mà các nhà kinh tế dự đoán.

 

Nói về mặt tích cực, khu vực đồng euro đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kể sau cú sốc chiến tranh Nga - Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng. Khí đốt giờ đây đã rẻ hơn so với trước khi xảy ra xung đột, sau khi giá tăng vọt vào mùa hè năm ngoái. Các chính phủ không bị ép buộc phải phân bổ năng lượng nữa, một phần nhờ thời tiết ấm áp bất thường. Lạm phát toàn phần, đạt mức kỷ lục 10,6% trong tháng 10, đang theo đà giảm.

Không như một số dự đoán cực đoan trước đó rằng ngành công nghiệp sẽ sụp đổ vì chi phí năng lượng. Tại Đức, các nhà máy sử dụng nhiều năng lượng đã chứng kiến ​​sản lượng giảm 1/5 kể từ khi chiến tranh bắt đầu, do hàng nhập khẩu bắt đầu thay thế sản xuất trong nước. Nhưng tổng sản lượng chỉ giảm 3% vào cuối năm, tương đương với xu hướng trước đại dịch. Cuộc khảo sát mới nhất của Viện Nghiên cứu Kinh tế IFO cho thấy các nhà sản xuất vẫn lạc quan như trước COVID-19.

Mặc dù nền kinh tế Đức suy giảm nhẹ trong quý IV/2022, nhưng khu vực đồng euro đã thách thức những kỳ vọng về suy thoái kinh tế. Theo dự báo mới nhất của Ủy ban châu Âu, tăng trưởng của khối trong quý này sẽ không thụt lùi. Các cuộc khảo sát tâm lý thị trường gần đây cũng củng cố cho báo cáo này. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã tăng lên trong những tháng gần đây, cho thấy một bức tranh tươi sáng hơn trong lĩnh vực sản xuất và đặc biệt là dịch vụ.

Sự ổn định kinh tế giúp mọi người có việc làm. Số lượng việc làm trên toàn khối đã tăng trở lại vào quý IV/2022. Tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất kể từ khi đồng euro ra đời vào năm 1999; trong các cuộc khảo sát, các công ty cho thấy sự “thèm muốn” đối với lao động mới. Và việc làm sẽ tác động đến mức chi tiêu. Theo nhà kinh tế Jens Eisenschmidt của Ngân hàng Morgan Stanley, mặc dù giá năng lượng cao nhưng mức tiêu thụ vẫn đóng góp 0,5 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng hàng quý trong quý II và quý III/2022. Ở nhiều quốc gia, “cú sốc năng lượng" cần có thời gian để ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Nhưng trong thời gian đó thì các gói hỗ trợ tài chính từ chính phủ đã giúp các hộ gia đình chi tiêu.

Câu hỏi đặt ra hiện tại là các chính phủ sẽ hỗ trợ trong bao lâu. Các hộ gia đình bắt đầu thắt chặt hầu bao vào quý IV/2022. Tại Áo và Tây Ban Nha, nơi có số liệu GDP chi tiết, mức tiêu dùng đã kéo tăng trưởng hàng quý xuống 1 điểm phần trăm. Thương mại bán lẻ trong khu vực đồng euro đã giảm 2,7% trong tháng 12 so với tháng trước đó. Tiểu bang sẽ ngưng tài trợ và xóa bỏ mức giá trần trong năm nay. Khiến lượng tiêu thụ năng lượng trở thành một câu hỏi lớn.

Trong khi đó, lạm phát đang có dấu hiệu “ngoan cố”. “Ở EU, người tiêu dùng sẽ phải  chịu áp lực giá bán buôn năng lượng theo 27 cách khác nhau, đó là một cơn ác mộng”, một quan chức Ủy ban EU quan ngại. Một số áp lực về giá vẫn có thể xảy ra - như trường hợp ở Đức, nơi giá năng lượng trong tháng 1 tăng 8,3% so với tháng 12. Ngay cả khi giá bán buôn ổn định ở mức thấp hơn hiện tại, giá hộ gia đình có thể thất thường.

Thị trường việc làm tăng trưởng mạnh của châu Âu có thể làm tăng lạm phát. Giá cả cao và tình trạng thiếu lao động, có khả năng trở nên tồi tệ hơn khi người già nghỉ hưu và ít thanh niên tham gia lực lượng lao động hơn, điều đẩy mức lương lên cao. Ở Hà Lan, tiền lương đã tăng 4,8% trong tháng 1 so với 1 năm trước đó, sau khi chỉ tăng 3,3% vào năm 2022 và 2,1% vào năm 2021.

 

Dữ liệu từ Indeed, một trang web tuyển dụng, cho thấy tiền lương ở khu vực đồng euro có xu hướng nối đuôi lạm phát. Điều này cho thấy không có dấu hiệu của việc "hạ cánh mềm”. Chỉ số giá tiêu dùng, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, đã tăng 7% trong năm tính đến tháng 1. Đặc biệt, các dịch vụ phải đối mặt với chi phí tăng mạnh, theo khảo sát của PMI, dẫn đến lạm phát cao hơn nữa.

Điều này khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu không còn lựa chọn nào khác ngoài việc giữ lãi suất cao. Thị trường kỳ vọng lãi suất sẽ tăng từ 2,5-3,7% vào mùa hè. Do đó, dòng tiền chảy vào các doanh nghiệp và hộ gia đình sẽ hạn chế hơn, ảnh hưởng đến đầu tư. Theo khảo sát cho vay của Ngân hàng, các tiêu chuẩn tín dụng đã được thắt chặt. Ông Eisenschmidt lập luận rằng hầu hết tác động của việc thắt chặt tiền tệ vẫn chưa được cảm nhận.

Khu vực đồng euro có thể đã thoát khỏi suy thoái cho đến hiện tại, nhưng triển vọng của khối - nơi lạm phát cơ bản vẫn tiếp diễn, lãi suất cao và nền kinh tế đuối sức - hầu như không mấy dễ chịu. IMF dự đoán mức tăng trưởng của EU đạt 0,7% vào năm 2023. Trong khi đó, Mỹ cũng phải đối mặt với tình trạng lạm phát nghiêm trọng không kém, và việc mở cửa trở lại của Trung Quốc đã không mang lại nhiều động lực cho khối. Một bình thường mới đầy nghiệt ngã với EU. 

Có thể bạn quan tâm: 

Châu Á tiêu thụ 50% lượng điện thế giới vào năm 2025

Nguồn The Economist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới